Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình người trong lũ

Triệu Dương - Hoàng Cường| 11/09/2012 07:15

(HNM) - Qua những ngày mưa lũ u ám, tiết trời xứ Thanh ngày 10-9 đã hửng trở lại, nước cũng đã rút để những đoàn xe đưa hàng cứu trợ đến với bà con. Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới cũng nhanh chóng có mặt để sẻ chia khó khăn mất mát cùng đồng bào xứ Thanh.


Vỡ đê, nhiều xã thành ốc đảo


Ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa những ngày qua ngập lụt nặng nhất, bị chia cắt nhất là xã Quảng Phú, Xuân Châu và một phần xã Thọ Lộc. Theo ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho đến hết ngày 10-9, để vào xã Quảng Phú vẫn phải đi thuyền vì nơi đây chính là điểm bị vỡ đê sông Cầu Chày. Anh Hà Duy Hoàng, cán bộ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Thọ Xuân kể: "Mưa tối mắt tối mũi từ đêm 4-9 và kéo dài suốt nhiều ngày sau đó. Riêng ngày 7-9 lượng mưa đo được tới hơn 420mm, khiến mực nước các sông lên rất nhanh. Để chủ động bảo đảm an toàn cho người và tài sản của dân, 100% cán bộ xã đã được huy động xuống các điểm nóng để giúp dân".


Cơn lũ đi qua xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân. Ảnh: Dương Hiệp

Đã có một cuộc di tản xưa nay chưa từng thấy ở địa phương này, được UBND huyện Thọ Lộc triển khai ngay trong đêm 7-9, nhờ đó cứu thoát hàng trăm mạng người. Theo ông Lê Huy Hoàng, rút kinh nghiệm từ trận lụt lịch sử năm 2007, gây hậu quả nặng nề trên địa bàn toàn huyện, ngay từ khi có những diễn biến thời tiết xấu trên địa bàn, UBND huyện đã chủ động di dân ngay trong đêm. "Phương án di dân tại chỗ từ nhà thấp lên nhà cao, từ chỗ trũng lên những điểm công cộng trong xã như trường học, bệnh xá, trụ sở chính quyền… được tiến hành khẩn trương, nên dù trong điều kiện khắc nghiệt, với một số lượng người khá lớn trong toàn xã nhưng chúng tôi vẫn tập trung được bà con để khẩn trương di dời, tránh được thiệt hại về người so với các địa phương khác".

Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài, lòng sông Cầu Chày hẹp, quanh co, uốn khúc, lượng nước dồn về hạ lưu rất lớn đã gây tràn đê tại các xã Thọ Lập, Quảng Phú… Dù huy động lượng người tối đa khắc phục sự cố nhưng đê bao tại thôn Đá Lát (xã Quảng Phú) đã vỡ một đoạn dài 40m, gây ngập úng 100ha hoa màu. UBND huyện đã chủ động di tản 10 hộ dân đến nơi an toàn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 10-9, tức là sau 4 ngày xảy ra sự cố, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Bùi Ngọc Vinh cho biết, hiện vẫn còn 13/17 thôn bị cô lập; nhu cầu về nước sạch, lương thực của cả nghìn hộ dân là rất lớn; toàn bộ con em trong xã đã phải nghỉ học.

Sẻ chia, đùm bọc

Được cả nước biết đến như một "ốc đảo" trên "bản đồ ngập lụt" xứ Thanh mấy ngày vừa qua, bà con Quảng Phú còn sẵn sàng sẻ chia, đùm bọc nhau vượt qua thiên tai. Trong bức tranh toàn cảnh đó, nhà bà Lại Thị Mười ở xóm 6 là một trong những hộ thiệt hại nặng nhất ở xã Quảng Phú khi ngôi nhà kiên cố nằm ở ngay vị trí xung yếu nhìn thẳng ra đoạn đê vỡ 35m trên đê bao, ngay trên đường đi của lũ nên bị nước cuốn băng cả mảng tường phía sau. Vào cái đêm vỡ đê đó, con trai, con rể bà Mười là anh Nguyễn Văn Hậu và anh Nguyễn Văn Phúc đã cùng hàng trăm thanh niên trong xã nỗ lực tìm mọi biện pháp giữ đê nhưng bất thành. Giây phút hiểm nguy do đê vỡ đến rất nhanh khiến chẳng ai kịp trở tay, đứng trên đê nhìn dòng nước xiết chảy thẳng vào nhà, anh Hậu chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời. Mấy đứa trẻ đã được di tản trước đó lên UBND xã, chỉ còn bà Mười lấn cấn ở lại dọn dẹp chút đồ đạc bị kẹt lại. Nghe tiếng kêu cứu thất thanh trong ngôi nhà bị ngập, cả chục con thuyền trong xã đổ tới để cứu người, nhưng tất cả đều bất lực trước sức mạnh của dòng nước xối thẳng từ chỗ đê vỡ về phía nhà bà Mười. Trong giây phút nguy nan đó, bất chấp sự hung hăng của thủy tặc, chiếc thuyền gỗ gắn máy của thầy giáo Đỗ Văn Trung vẫn băng băng tiến tới, sau một hồi đánh vật với lũ, đã giành được bà Mười khỏi tay thần chết trước khi mảng tường phía sau nhà đổ ập xuống. Cũng trong đêm đó, thầy Trung đã cứu được rất nhiều người trong dòng lũ dữ. Với chiếc thuyền gỗ của mình thầy giáo đã đi khắp làng trên xóm dưới, vừa đưa người già, trẻ em đến những nơi an toàn vừa trực tiếp tìm kiếm tài sản của bà con mắc lại trên cành cây, mái nhà đưa về cho các khổ chủ. Trưa 10-9, khi nước tạm rút, bà Mười và con trai, con rể mới quay lại căn nhà của mình giờ chỉ còn một đống đổ nát hoang tàn. Nước vẫn lấp xấp đến đầu gối, trong lúc nước mắt tuôn trào xót xa vì bao của nả đã bị thủy thần cướp mất thì niềm vui chợt lóe lên trong ánh mắt khi bà thấy thầy giáo Trung - ân nhân cứu mạng mình chèo lái thuyền chở theo chiếc giường gỗ của gia đình cùng bao tải xoong nồi bị trôi và mắc lại cách ngôi nhà cả trăm mét.

Nhà anh Lê Văn Dũng ở xóm 9 nằm ngay dưới chân con đê vỡ nên cũng thiệt hại nặng nề. Đến tận ngày 10-9, vẫn chỉ trông thấy mái nhà lúp xúp thấp thoáng như hòn đảo nhỏ giữa mênh mông biển nước. Đau xót vì thiệt hại tài sản còn chưa thống kê được nhưng cũng như thầy giáo Trung, anh Dũng lúc nào cũng sẵn sàng cởi trần dầm mình trong dòng nước mò vớt những tài sản bị ngâm trong bùn cho bà con và hễ nhà nào nước vừa rút đang cần nhân lực dọn dẹp, anh lại sẵn sàng đến giúp đỡ tận tình. Bà con trong xã sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh anh Dũng lao mình vào một ngôi nhà trong xóm, kịp thời cõng một bà cụ gần 90 tuổi đến nơi an toàn…

Bên cạnh tấm gương bất chấp hiểm nguy cứu người như thầy giáo Trung, anh Dũng còn có ông An Viết Nhâm năm nay đã 80 tuổi, ở xóm 17 - điểm cao duy nhất trong xã Quảng Phú không bị ngập lụt. Hằng ngày ông vẫn đạp xe tới từng ngôi nhà vừa "hở ra" sau trận “hồng thủy” để động viên, thăm hỏi. Cũng trong những ngày qua, người dân xóm 17 đã sẵn sàng nhường nhà cửa, nhường cơm ăn nước uống cho bà con ở các thôn bị ngập lụt, dù hoàn cảnh của họ cũng chẳng dư dật.

Trong trận ngập lụt lịch sử năm 2007, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã được nhân dân các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân… ghi nhận là một trong những đơn vị kịp thời đến sớm nhất để sẻ chia. Những món quà như sách vở cho các em thơ, tiền mặt, thực phẩm và nhu yếu phẩm hằng ngày do cán bộ, phóng viên quyên góp đã phần nào giúp đỡ bà con vùng lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống, gượng dậy sau thiên tai.

Cùng Quỹ Trái tim nhân ái trở lại vùng lũ này, kịp thời mang theo những món quà thiết thực, chung tay giúp bà con vượt qua khó khăn, chúng tôi đã vô cùng cảm động khi chứng kiến ý chí vượt qua khó khăn, chủ động chống lũ và nhất là tình thương yêu đùm bọc ở mảnh đất xứ Thanh còn nhiều gian khó này.n

Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của bà con vùng lũ lụt Thanh Hóa, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã hỗ trợ khẩn cấp tới một số hộ gia đình có người thiệt mạng tại các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Thường Xuân… với số tiền 1 triệu đồng/1 hộ. Mọi sự giúp đỡ của độc giả cho bà con vùng lũ xin gửi về Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình người trong lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.