(HNM) - Là một làng cổ, Nhân Chính ăm ắp di tích. Mười năm trước, Nhân Chính mới là... xã, dân ít, ruộng đất còn nhiều...
Tình người ấm áp đã lan tỏa không chỉ trong mỗi địa bàn này, không chỉ giữa những người "phường xóm" (có thể nói như vậy bởi Nhân Chính tiếng là phường nhưng gốc vẫn là làng, là xóm). Tình người ấm áp từ đây lan tỏa ra, phường trở thành điểm sáng của thành phố trong thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Phường mới trên làng cổ
Bà Lê Thị Kim Long, phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nom rõ hiền hậu. Bà vốn gốc ở đây. Ngôi nhà bà lợp ngói âm dương nay đã gần trăm tuổi. Cụ bà nhà bà Long năm nay cũng suýt soát một trăm. Cả gia đình, bốn thế hệ, chung sống dưới ngôi nhà này.
Phường Nhân Chính ngày trước vốn dĩ là một cái làng. Nằm bên bờ Nam sông Tô Lịch là những làng Mọc cổ thuộc đất xã Nhân Mục xưa, gồm bảy làng: Thượng Đình, Hạ Đình, Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Quang. Sau đó, các làng được gộp thành hai xã là Nhân Mục Cựu gồm hai làng Thượng Đình, Hạ Đình và xã Nhân Mục Môn gồm năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Quang (Phùng Khoang) nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và xã Trung Văn, huyện Từ Liêm. Ngày nay, hai làng Thượng Đình, Hạ Đình đã trở thành phường Thượng Đình, Hạ Đình còn năm làng thuộc Nhân Mục Môn xưa được đổi thành phường Nhân Chính, một phần đất thuộc các phường Thượng Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc và xã Trung Văn thuộc quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm.
Một tiết mục rước kiệu trong lễ hội. |
Là một làng cổ, Nhân Chính ăm ắp di tích. Mười năm trước, Nhân Chính còn là xã, dân số ít, người dân sống trong làng cổ, ruộng đất còn nhiều. Từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội đều nghèo nàn. Đường làng ngõ xóm hầu hết là đường đất, chưa có hệ thống thoát nước cơ bản, thậm chí chưa có điện chiếu sáng... Đến nay, những mét vuông đất nông nghiệp cuối cùng đã hết, dân số xấp xỉ 3,7 vạn người. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn phường diễn ra nhanh. Nhiều khu cao tầng mọc lên, chẳng hạn khu Trung Hòa - Nhân Chính, các khu dân cư trong làng cổ, khu tái định cư, khu đô thị cao cấp... hình thành.
Ngoài sáu mươi, bà Long sau khi cầm sổ hưu tham gia vào ngay hội khuyến học ở phường, hoạt động rất tích cực, hăng hái. Năm ngoái, bà đau chân nên phải nghỉ. Nhờ hội, nhờ bà Long, nhiều cháu học sinh đã được tuyên dương, khen thưởng kịp thời.
Sát nhà bà Long là nhà bà Phạm Thị Trọng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Thọ. Cứ nhìn cách bà Trọng nói chuyện với bà Long, ai cũng tưởng hai bà là chị em: Nhẹ nhàng và ân cần, gần gũi.
Bà Trọng làm công tác mặt trận đã mấy năm nay.
Nỗ lực giảm nghèo
Ông Nguyễn Văn Cừ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Nhân Chính năm nay đã ngót bảy mươi nhưng dáng đi vẫn thẳng, nom rất khỏe khoắn. Trước ông Cừ "làm" Hội Cựu chiến binh. Ông Cừ cho biết: Phường Nhân Chính là phường rộng nhất, dân cư đông nhất. Thuận lợi của phường Nhân Chính là "từ xã đi lên". Tính cộng đồng của người dân rất cao. Hằng năm, mỗi dịp nhà thờ họ tổ chức lễ lạt đều thu hút rất đông người tham gia. Hội làng năm năm tổ chức một lần hay các hội lệ hằng năm là dịp để người dân trong phường tụ hội. Tuy nhiên, cái khó lại là dân trí hạn chế, là địa bàn vốn từ nông nghiệp đi lên song nay không còn đất nông nghiệp. Ông Cừ bảo, lễ hội làng năm năm một lần vừa là dịp giáo dục truyền thống vừa phát huy tính cộng đồng của người dân.
Hết năm 2009, phường Nhân Chính còn 37 hộ nghèo. Trong số hộ nghèo, có cả các cựu chiến binh. Ông Cừ vận động đồng đội, anh em "tập trung" trợ giúp cho các gia đình cựu chiến binh nghèo. Theo đó, mỗi cựu chiến binh nghèo được vay tới 20 triệu đồng. Riêng năm 2009, các hộ cựu chiến binh được tạo điều kiện vay vốn tới 800 triệu đồng. Không chỉ giúp đồng đội cái "cần câu", hội còn lập riêng ra quỹ tiết kiệm tình nghĩa. Số vốn nay đã được khoảng 50 triệu đồng, dù còn ít ỏi nhưng đây là tấm lòng của những người đồng đội. Hội có 657 hội viên, họ bảo nhau mỗi người tự bớt mấy ngày lương để lập quỹ. Đấy là lo xa, phòng khi có những trường hợp đột xuất như ốm đau, hoạn nạn thì quỹ trích hỗ trợ, không tính lãi suất cho hội viên. Ông Cừ cho biết như vậy. Năm nay, phường cố gắng không còn hội viên cựu chiến binh nào thuộc diện nhóm hộ nghèo và phấn đấu để tất cả, đặc biệt là các hộ cựu chiến binh chỉ còn... "đi lên" chứ không phải thoát nghèo.
Nằm trên địa bàn trọng điểm, với những đặc thù riêng, ông Cừ cho biết người dân đều được thuyết phục, vận động và hưởng ứng nhiệt tình khi tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Một trong những thành quả điển hình là việc giải phóng mặt bằng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Hơn 200 hộ có liên quan nhưng các cơ quan, đoàn thể đã cùng vào cuộc thuyết phục vận động. Cuối cùng, cơ quan chức năng đã không phải cưỡng chế một trường hợp nào. Mặt bằng được bàn giao đúng hạn. Ngay trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, phường cũng có nhiều chương trình cụ thể, thiết thực.
Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn phường từng bước được cải thiện. Ông Cừ cho biết, phường còn hết sức quan tâm tổ chức mừng thọ cho các bậc cao niên ở làng. Hoạt động ấy không chỉ nhằm tôn vinh người cao tuổi mà còn có ý nghĩa giáo dục con cháu hiếu thảo, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của đất nước, của địa phương. Các khu dân cư, tổ chức, đoàn thể đều có đội văn nghệ nòng cốt, tham gia các hoạt động văn hóa của phường, quận...
Khu dân cư sạch - đẹp
Hôm vừa rồi, ông Tạ Mạnh Hùng, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc trở lại Nhân Chính, nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông ngạc nhiên trước những thay đổi ở làng Mọc quê ông đến nỗi đi thăm một người họ hàng cũng bị lạc đường...
Mười năm qua, phường Nhân Chính đổi thay từng ngày. Bà Phạm Thị Trọng mấy năm nay làm công tác mặt trận, thấm thía những khó khăn và cả những thuận lợi của người cán bộ ở cơ sở. Một trong những kết quả tôi hết sức tự hào là việc vận động người dân tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường. Khu dân cư Thọ đã tích cực hưởng ứng chiến dịch bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, không phép, quét sơn, vôi trên các điểm công cộng tại địa bàn. Sau mấy đợt thực hiện vào đầu năm, tháng 5-2010, mới đây khu dân cư chúng tôi lại triển khai đợt nữa.
Khu dân cư Thọ có phố Chính Kinh chạy qua. Từ đầu khu tới cuối ngõ, cả phố Chính Kinh có mật độ người qua lại lớn, tịnh không thấy một "biển" quảng cáo, rao vặt nào. Bà Trọng hào hứng: Chúng tôi liên tục tuyên truyền người dân hưởng ứng phong trào xanh - sạch - đẹp. 95% người dân chấp hành tốt. Mới đây, khu được khen thưởng về phong trào bảo vệ vệ sinh môi trường - đó là sự ghi nhận của thành phố với người dân trong khu.
Khu dân cư Thọ có 6 người nghiện ma túy. Với giọng trầm buồn, bà Trọng kể: Có con rơi vào vòng ma túy là nỗi đau của không chỉ gia đình mà cả cộng đồng. Một mặt chúng tôi phải động viên, chia sẻ người gặp cảnh không may ấy, mặt khác kiên trì, thuyết phục, xắn tay cùng với họ giúp con em cai nghiện. Đến giờ, hai người có nhiều triển vọng không tái nghiện.
"Làm mặt trận", "va vấp" với cơ sở, không ít lần bà Trọng rơi vào tình huống khó xử. Chẳng hạn, có hàng nước mà người dân xì xào có dấu hiệu "buôn bán hàng phạm pháp". Bà Trọng cùng với các bác trong Ban Công tác Mặt trận phải ra tay dẹp hàng nước này. "Kết quả" thấy ngay: Hàng nước ấy bị dẹp nhưng nhà bà Trọng bị khủng bố bằng xỉ than, rác thải... Rồi cả chuyện có nhà làm nhôm kính xả phế thải bừa bãi hay nhà cho thuê cốp pha lấn chiếm đường đi chung ngõ xóm... Trăm sự đổ lên đầu người cán bộ mặt trận. Không mềm mỏng, không kiên trì thì họ khó mà làm được việc. Bù lại, cái được là cho cả cộng đồng. Đến giờ, bà Trọng dám cả quyết khu dân cư Thọ đã bảo đảm tiêu chí sạch - đẹp. Bà chỉ tiếc rằng không biết bao giờ mới đạt tiêu chí xanh khi tốc độ đô thị hóa nhanh như lốc cuốn.
Lúc tôi đến, ông Nguyễn Văn Cừ đang bận tiếp các bác tổ trưởng dân phố đến đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Giọng ông Cừ cảm động lắm: Có những tổ dân phố ủng hộ tới mười mấy triệu đồng. Đấy là tấm lòng của bà con với đồng bào bị nạn.
Tình người ấm áp đã lan tỏa giữa những người làng xóm khu dân cư Thọ. Tôi nhớ lắm ánh mắt cảm động của ông Cừ lúc tiếp nhận tiền ủng hộ đồng bào miền Trung của những người "phường xóm" mình và cũng không quên được đôi tay ông tổ trưởng nọ cẩn trọng đếm từng đồng tiền của bà con khu phố...
Bà Trọng rất thật thà: Tôi đề nghị nhà báo "biểu dương" hai dòng họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Thái Bảo đã không chỉ ủng hộ về tinh thần mà còn tích cực đóng góp vào các hoạt động địa phương, vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Rồi bà kể, bà liệt kê "thành tích" này, "thành tích" nọ của hai dòng họ ấy...
Thú thực, tôi thì "biểu dương" thế nào được, chỉ mong rằng những lượm lặt ở đây cũng hiện hữu ở nhiều nơi khác. Đời sống văn hóa ở cơ sở xét cho cùng không phải điều gì quá cao xa mà hết sức giản dị như cử chỉ ân cần, gần gụi lúc nói chuyện của bà Trọng với bà Long, ở những sẻ chia giữa những người "phường xóm", ở những đồng cảm của người dân từ một nơi như phường Nhân Chính với đồng bào ruột thịt nơi xa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.