(HNM) - Sau nhiều ngày chuẩn bị, kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ 2011 hôm qua đã diễn ra trên toàn quốc. Với Thủ đô Hà Nội - trung tâm văn hóa đồng thời cũng là trung tâm giáo dục của cả nước - nơi tập trung 96 trường ĐH và CĐ trong số trên 400 trường, tổ chức tốt chuyện ăn ở, đi lại, thi cử cho trên nửa triệu thí sinh đã trở thành việc khẩn trương, quan trọng hàng đầu trong những ngày này.
Hơn nửa triệu người đột ngột tăng thêm, cùng với số thí sinh ấy còn có thêm hàng vạn cha mẹ hoặc người thân, sinh hoạt, đi lại, liên tục trong hơn 10 ngày chia làm 3 đợt thi sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, giao thông, y tế. Quả đây là một công việc không đơn giản với thành phố. Lường trước điều đó, Hà Nội đã chuẩn bị các phương án với sự tham gia của các ngành, các cấp, thậm chí là từng khu phố, hộ gia đình. Dự báo lượng người về thành phố sẽ tăng đột biến, các bến xe liên tỉnh đã tăng thêm hàng trăm lượt xe, riêng xe buýt trong những ngày cao điểm đã tăng thêm 160 lượt để phục vụ thí sinh. Tại các bến xe, lực lượng an ninh, nhân viên quản lý cùng với các đội thanh niên tình nguyện đã kiểm soát chặt chẽ xe ra vào, ngăn chặn nạn xe dù, xe ôm, tắc xi tranh khách, bắt chẹt khách và các hoạt động tội phạm. Cho tới trước ngày thi, tính bình quân mỗi bến xe liên tỉnh đã có 20 người thuộc các lực lượng trên thường xuyên có mặt làm nhiệm vụ quản lý và tư vấn về đường đi lối lại, tới các điểm thi, các địa chỉ thuê nhà… cho các thí sinh và người nhà. Để tiện lợi và tiết kiệm chi tiêu cho thí sinh, năm nay Trung ương Đoàn TNCS HCM đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo Đoàn thanh niên các trường ĐH, CĐ vận động nhân dân trong thành phố đăng ký chỗ trọ miễn phí hoặc giá rẻ cho thí sinh và người nhà. Đến nay đã có gần 75.000 chỗ trọ miễn phí và giá rẻ, giải quyết một phần khó khăn cho thí sinh từ nơi xa về Hà Nội. Một sáng kiến đáng ghi nhận là năm nay, phong trào sinh viên các trường tình nguyện thu gọn chỗ ở tại ký túc xá, nhường chỗ cho các thí sinh diễn ra đều khắp và sôi nổi hơn nhiều năm. Bên cạnh đó, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có 3 vạn suất ăn miễn phí có chất lượng, bảo đảm vệ sinh được chuẩn bị phục vụ thí sinh nghèo, không có điều kiện. Cùng với các hoạt động trên, các lực lượng cảnh sát giao thông, an ninh, cứu hỏa, y tế cộng đồng, các tổ dân phố… cũng tăng cường hoạt động, bảo đảm trật tự, an toàn cho kỳ thi.
Cố gắng như vậy nhưng hiệu quả sẽ bị hạn chế nhiều nếu thiếu đi sự hợp tác của cả xã hội và chính các thí sinh. Với các thí sinh là tình trạng sinh hoạt buông thả, không tôn trọng trật tự giao thông, trật tự nơi ăn ở, thiếu ý thức cộng đồng. Vào những ngày trước kỳ thi, nếu ai đến khu vực bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, mất vệ sinh đến mức nào. Nhiều khu ký túc xá, chung cư cũng có hiện tượng tương tự. Với người dân thành phố, vẫn còn cảnh "chặt chém", nâng giá hàng và từ chối sự giúp đỡ với các em. Những hiện tượng trên tuy không nhiều nhưng phần nào đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh "dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An" của mảnh đất Hà Nội có bề dày hơn nghìn năm tuổi.
Kỳ thi còn dài, làm sao để sau kỳ tuyển sinh, nhiều thí sinh và người thân sẽ nhớ mãi hình ảnh một Hà Nội văn minh, hiện đại và thân thương, nhớ mãi tình người Hà Nội mến khách, thanh lịch nổi tiếng gần xa. Đó cũng là hành động thiết thực nâng cao vị thế Thủ đô và cái chất của người Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.