(HNM) - Ngày 11-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu đánh gíá cao việc Liên danh Tư vấn quốc tế (PPJ) đã đưa ra được các nội dung cơ bản để xây dựng Hà Nội là "Thủ đô xanh, văn hiến - văn minh và hiện đại".
* Sẽ trình Luật Thủ đô vào kỳ họp cuối năm của Quốc hội
* Nên bổ sung tiêu chí “Hà Nội có chỉ số hạnh phúc cao nhất nước”
(HNM) - Ngày 11-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu đánh gíá cao việc Liên danh Tư vấn quốc tế (PPJ) đã đưa ra được các nội dung cơ bản để xây dựng Hà Nội là "Thủ đô xanh, văn hiến - văn minh và hiện đại".
Tuy nhiên, để ý tưởng này khả thi, cơ quan hoạch định cần sớm hoàn thiện các đồ án quy hoạch cấu thành, có liên quan trực tiếp tới đặc tính "xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại" của Thủ đô Hà Nội, đó là hệ thống giao thông, thủy lợi, kế hoạch sử dụng đất, thiết chế văn hóa và không gian xanh.
Tạo sự phát triển đồng bộ cho Hà Nội
Báo cáo mới nhất của PPJ đề xuất Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Chính phủ và không ít cơ quan hữu quan đánh giá là đồng bộ và có chất lượng, với những nghiên cứu khá chi tiết về hiện trạng cũng như đề cập đầy đủ các vấn đề và thách thức mà Hà Nội đang gặp phải trước và sau khi mở rộng như: giao thông đô thị, sức ép dân số, bảo tồn các kiến trúc và giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị…
Hà Nội đang hướng tới là một trong những thành phố phát triển bền vững trong tương lai. Ảnh: ĐÀM DUY |
Theo đó, từ nay đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ phải trở thành một trong những thành phố phát triển bền vững của thế giới, theo mô hình đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn khác của khu vực nông thôn. Đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng bao gồm khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm - Yên Viên, Long Biên. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Khu vực nội đô (từ Tả ngạn sông Hồng đến đường Vành đai 2) là khu vực được yêu cầu kiểm soát gia tăng dân số; bảo tồn hệ thống di sản vật thể và phi vật thể của vùng văn hóa Thăng Long cổ và văn hóa Tràng An, cải thiện về hạ tầng; chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan…
Định hướng phát triển nông thôn, nông nghiệp, thủy lợi của vùng ngoại thành Hà Nội được điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, trong đó lấy nguyên tắc "ly nông bất ly hương" làm cơ sở. Trước mắt ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín và Phúc Thọ sẽ hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mũi nhọn về giống cây trồng, vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp Hà Nội, trong tương lai sẽ mở rộng tới các địa bàn khác.
Tiếp thu ý kiến của người dân và các nhà khoa học, trong dự thảo báo cáo mới nhất này. Đồ án quy hoạch chung Hà Nội có hơn 1.000 trang thì nội dung đánh giá môi trường chiến lược chiếm trên 110 trang, tập trung vào các vấn đề như thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, giao thông, vệ sinh môi trường, cây xanh, mặt nước. Liên danh tư vấn đã mạnh dạn đưa vào quy hoạch các tiêu chuẩn của Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch xây dựng hiện đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện nghiên cứu, chuẩn bị ban hành. Theo đó, quy hoạch chung Hà Nội đã được áp dụng những hướng dẫn kỹ thuật đánh giá môi trường chiến lược mới nhất, đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch đô thị vừa có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2010.
Cần làm sáng tỏ nhiều hạng mục
Bài toán kinh tế, nét riêng Hà Nội là 2 điểm lớn nhất khi UB TVQH cho ý kiến về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Theo người đứng đầu ngành xây dựng, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung từ 2010 - 2050 tại đồ án khoảng 90 tỷ USD. Nguồn vốn này được huy động chủ yếu từ việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội; quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn: "Hiện nay, một năm Hà Nội thu ngân sách trên 72 nghìn tỷ đồng, nếu tốc độ tăng từ 15-20% mỗi năm thì toàn bộ tiền ngân sách có đủ đầu tư không?" Cũng theo ông Hiển, nguồn tài chính cần cho đồ án là rất lớn nên phải tính về nguồn lực và phân kỳ đầu tư. Mặt khác, bên cạnh tiêu chí văn minh, hiện đại, Thủ đô cũng cần có thêm tiêu chí là "Thành phố có chỉ số hạnh phúc cao nhất nước".
Thủ đô Hà Nội sẽ được quy hoạch đồng bộ để phát triển bền vững. Ảnh: Nhật Nam |
Sẽ trình Luật Thủ đô vào kỳ họp cuối năm của Quốc hội (HNM) - Ngày 11-5, Chính phủ đã chính thức có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho lùi thời hạn trình Luật Thủ đô vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, thay vì sẽ trình tại kỳ họp giữa năm như kế hoạch trước đó. Theo tờ trình của Chính phủ, đây là dự luật lớn, điều chỉnh nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quản lý đô thị của Thủ đô... với nhiều quy định về cơ chế đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành. Việc nghiên cứu, xác định đúng các cơ chế đặc thù rất cần thiết cho xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất của toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật và vai trò quản lý thống nhất của Chính phủ là công việc phức tạp, đòi hỏi phải có thêm thời gian. Do đó, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, lùi thời hạn trình dự luật vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII diễn ra vào cuối năm nay. Bách Sen |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.