Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính khách quan của báo chí

Hoàng Thu Vân| 27/05/2013 05:24

(HNM) - Trên báo chí hiện nay đang có hiện tượng lấy cái cá biệt để quy nạp thành cái phổ biến, nhất là đối với những hiện tượng tiêu cực. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến một số sự việc xảy ra ở Hà Nội vừa qua.


Từ cuối năm 2012 đến nay, Hà Nội có một số sự việc, vấn đề được dư luận quan tâm. Đại đa số các cơ quan báo chí đã cử phóng viên tìm hiểu, điều tra, trong đó phỏng vấn cả những người có thẩm quyền, từ đó đã làm rõ bản chất sự việc, ghi nhận những việc làm hiệu quả của lãnh đạo Hà Nội trong xử lý, giải quyết sự việc có lý có tình, đúng pháp luật. Về phía lãnh đạo Hà Nội, cũng đã chủ động giải quyết và cung cấp thông tin xử lý từng vấn đề công khai trên báo chí.

Chẳng hạn như sự kiện một đại biểu phát biểu tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố về việc có dư luận "chạy công chức không dưới 100 triệu đồng". Ngay sau kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2012, lãnh đạo Hà Nội đã gấp rút thành lập 3 tổ công tác liên ngành để kiểm tra công tác tuyển dụng công chức, viên chức tại các địa bàn mà phản ánh của dư luận là có tiêu cực. 43 trường hợp giả mạo bằng tốt nghiệp THPT đã được phát hiện, những trường hợp thân quen, nhờ vả đã bị xử lý nghiêm, cán bộ có trách nhiệm tại các hội đồng tuyển dụng có sai phạm đã bị xử lý cả về kỷ luật Đảng và chính quyền, thuyên chuyển công tác khác, đồng thời đưa ra khỏi diện quy hoạch cán bộ… Cùng với những động thái tích cực nêu trên, một vấn đề đặc biệt quan trọng là phải phòng ngừa những khả năng tương tự có thể xảy ra tiêu cực. Một số bất hợp lý trong việc tuyển dụng công chức, viên chức của Hà Nội đã được phát hiện, chỉ rõ, giúp cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp tối ưu, khắc phục những lỗ hổng về cơ chế, chính sách…

Tương tự như vậy, những cán bộ có liên quan đến việc chậm trễ trong chuyển công văn giấy tờ (từ thông tin một công văn đến được tay Bí thư Thành ủy mất một tháng) cũng đã phải nhận những hình thức xử lý kỷ luật ở mức độ khác nhau. Lãnh đạo thành phố đã trân trọng kêu gọi mọi người dân, các nhà báo, hãy cung cấp thông tin về những hành vi tiêu cực trong các cơ quan công quyền cho các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm.

Có thể ở từng sự việc nhất định, có ý kiến cho rằng, việc xử lý như vậy vẫn còn là nhẹ. Báo chí nói chung đã phản ánh khách quan, đúng bản chất sự việc cũng như quá trình giải quyết của Hà Nội với tinh thần xây dựng. Thế nhưng trên một vài bài báo lại bình luận dễ dẫn người đọc hiểu rằng Hà Nội chỉ là nơi chất chứa toàn tiêu cực.

Ở mỗi chế độ chính trị khác nhau có những tính chất khác nhau trong vận hành bộ máy hành chính, nhưng đều có mẫu số chung là quy định về quy trình xử lý với từng cấp phải chặt chẽ, bảo đảm sự minh bạch, xử lý các hành vi tiêu cực phải theo quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội với đầy đủ bằng chứng. Từng cá nhân đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm và hành vi của mình. Sai phạm tới đâu sẽ phải chịu những hình thức xử lý tương ứng. Khi xử lý sai phạm của từng cá nhân cũng như thực hiện công tác quản lý nhà nước với trách nhiệm cụ thể được phân công, cần phải lắng nghe dư luận xã hội, nhưng trước hết phải tuân thủ quy định của pháp luật chứ không thể chiều lòng dư luận. Giữa những người điều hành quản lý và dư luận xã hội có cùng mục đích, đó là xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển. Tuy vậy vẫn có sự khác nhau: Người điều hành quản lý phải tuân thủ theo quy trình, quy phạm mà pháp luật quy định, còn dư luận xã hội nhiều khi chỉ là mong muốn có kết quả nhanh. Nếu quản lý, điều hành bằng mọi giá mà không căn cứ theo quy định pháp luật, thì đó là cách hành xử, quản lý vô chính phủ, vô pháp luật, dẫn đến xử oan người vô tội, nhìn nhận, đánh giá sự việc bằng cách tư duy chủ quan, cảm tính. Tất cả những sự việc, vấn đề lâu nay ở Hà Nội cũng như ở các nước, về cơ bản là đều thực hiện theo các quy định của pháp luật chứ không phải căn cứ vào hiện tượng, vào những lời xì xào đồn thổi. Đó là cách làm theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Sự thượng tôn pháp luật là nguyên tắc hành pháp ở bất cứ quốc gia nào.

Với Hà Nội, có thể thấy, từng vấn đề, sự việc đều luôn phải gánh chịu sức ép hơn các địa phương trong cả nước. Điều đó cũng dễ hiểu khi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, luôn nhận được sự kỳ vọng lớn, những nhu cầu, đòi hỏi của xã hội cao hơn mọi nơi. Trong khi đó, trên thực tế ở Hà Nội đang là sự đan xen tư duy cũ và mới; thế cài răng lược trong nếp sống đô thị của ngày hôm qua và hôm nay; sự thiếu đồng bộ mang tính lịch sử trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng; rồi vấn đề bảo tồn những giá trị của quá khứ kết hợp với quá trình phát triển; vấn đề giao thông, dân số, cùng hàng loạt vấn đề đặt ra cho hôm nay và tương lai… Đây là tình trạng chung của cả nước ta trong quá trình phát triển với điểm xuất phát thấp sau cả thế kỷ phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhưng ở Hà Nội thì có mức độ cao hơn, mật độ dày đặc hơn. Để giải quyết tổng thể những vấn đề đó buộc phải gỡ từng "nút thắt" chứ không thể thực hiện trong một sớm một chiều đồng loạt tất cả các vấn đề và phải đặt trong lộ trình của chiến lược phát triển. Vậy nên như xác định của lãnh đạo Hà Nội, việc nào cần làm ngay thì phải khẩn trương giải quyết, nhưng những việc lâu dài phải thực hiện từ gốc, theo quy trình, từng bước tháo gỡ vướng mắc trong một giải pháp tổng thể, đồng bộ được hoạch định và có tầm nhìn chiến lược.

Là cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, ở từng cương vị đều có sự phân công rõ ràng về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ. Có như vậy từng mắt xích mới kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, giúp cho hệ thống quản lý hoạt động nhịp nhàng. Đó là mẫu số chung của mọi chính quyền dù thể chế chính trị có thể khác nhau. Với thẩm quyền được giao của từng cấp lãnh đạo, không phải trong bất cứ công việc nào cấp trên cũng làm thay cấp dưới. Thẩm quyền, chức phận rõ ràng thì làm thay là bao biện. Việc của người lãnh đạo là làm sao điều hành các mắt xích trong phạm vi quản lý của mình ăn khớp với nhau, để từng vị trí công tác có thể phát huy hết vai trò, năng lực, vận hành dây chuyền hoạt động hiệu quả. Nói như vậy không có nghĩa là người lãnh đạo quan liêu mà phải nắm bắt tình hình cụ thể đối với từng vấn đề, từng địa bàn để đề ra đường hướng cũng như những cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, một mặt giải quyết hiệu quả những bức xúc của xã hội, mặt khác khắc phục những lỗ hổng, những bất cập tồn tại về cơ chế, chính sách hiện hành. Trong xã hội, mỗi người làm một nghề là sự phân công xã hội; xã hội càng phát triển thì sự phân công càng chuyên nghiệp.

Trở lại với những vấn đề nảy sinh trong đời sống, trong quá trình xây dựng và phát triển mà Hà Nội cũng như cả hệ thống chính trị trong cả nước đã và đang tập trung giải quyết. Có thể thấy, trong quá trình phát triển, việc nảy sinh những sự việc cụ thể mang tính cá biệt ở từng lĩnh vực, từng địa phương, là bình thường. Không ai có thể chứng minh rằng trên thế giới có một quốc gia nào không có những nảy sinh cá biệt gây bức xúc trong xã hội, dù quốc gia đó phát triển hiện đại đến mức nào. Chúng ta dù có tình cảm yêu hay ghét nhưng không thể lấy cái cá biệt để đánh giá là phổ biến. Thế nên, phải đặt câu hỏi ngược lại rằng: Phải chăng tất cả mọi công việc trong xã hội Việt Nam bây giờ đều phải chạy chọt mới được, cũng như mọi dự án đều phải "bôi trơn" mới được phê duyệt? Câu trả lời là thực tế không như thế! Lấy ví dụ trong nghề làm báo, ai đã phải chạy mất bao nhiêu tiền mới có thể được vào làm việc tại tờ báo? Phải khẳng định rằng, nếu có chỉ là rất cá biệt mà thôi. Nghề báo cũng như bất cứ nghề nào khác trong xã hội đòi hỏi phải có những nguyên tắc nghề nghiệp, nhưng cũng có những lỗ hổng trong cơ chế. Nhưng dù có những lỗ hổng cơ chế thì cũng không thể có việc tất cả nhà báo hiện nay đều phải chạy chọt bằng tiền mới được vào cơ quan báo chí.

"Một nửa chiếc bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật". Nhắc lại điều này để thấy lương tâm, trách nhiệm của người viết báo chúng ta quan trọng đến nhường nào. "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc" đâu chỉ là điều nói cửa miệng, mà phải được độc giả đặt trọn niềm tin!

Trong hoạt động xã hội, hay ngay tại gia đình, giải quyết từng vấn đề đều phải được đặt trong một tổng thể, hài hòa các lợi ích hợp pháp. Đối với người lãnh đạo, với tổ chức nhà nước các cấp phải vì lợi ích nhân dân, quốc gia, dân tộc. Báo chí cũng vậy. Nhà báo có trách nhiệm và cái tâm trong sáng mới hiểu thấu đáo sự việc và sẽ lựa chọn được thông tin hữu ích cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tính khách quan của báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.