(HNM) - Chơi tranh Tết là nét đẹp văn hóa của người Việt. Ngày nay, tuy đã có sự mở rộng về thể loại tranh Tết, người ta chơi cả tranh đương đại do các họa sĩ vẽ nhưng những dòng tranh dân gian vẫn được nhiều người tìm mua.
Cuốn sách “Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt” của TS Trang Thanh Hiền. |
Với nhiều người, triển lãm "Nét xuân 2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam", tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ - Hà Nội), là cơ hội để họ tìm hiểu về tranh dân gian Việt Nam, nhất là dòng tranh Tết và cảm nhận về sự tinh tế trong thú chơi đậm chất văn hóa của người xưa. Có khoảng 200 tài liệu, hiện vật mộc bản, tranh vẽ tiêu biểu của những dòng tranh dân gian nổi tiếng khắp đất nước Việt Nam được trưng bày tại đây, như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Làng Sình...
Tất cả có trong bộ sưu tập của chị Nguyễn Thị Thu Hòa - chủ nhân Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Chị Thu Hòa kể rằng mình đã bén duyên với nét đẹp dân dã mà tinh tế của tranh dân gian, đã cất công tìm nhiều cách để sưu tầm, tích lũy tranh, quay phim, chụp ảnh về các nghệ nhân và làng nghề làm tranh dân gian từ hơn 6 năm nay.
Bộ sưu tập tranh dân gian được trưng bày khá sinh động, cung cấp thông tin cơ bản về các dòng tranh, những bức tranh tiêu biểu. Tranh Đông Hồ xuất phát từ làng Đông Hồ (Bắc Ninh), ra đời khoảng thế kỷ XVI, chủ thể là con người, vật, hiện tượng gần gũi với đời sống làng quê Bắc Bộ. Với dòng tranh này, những tác phẩm được biết đến nhiều là "Mẹ con lợn", "Đám cưới chuột", "Thầy đồ cóc", "Chọi trâu"… Tranh Hàng Trống hướng đến người dân thành thị và tầng lớp quý tộc, nổi tiếng với nhóm tranh thờ (đạo giáo, đạo mẫu) và tranh Tết (tứ quý, chúc phúc). Tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) hình thành vào khoảng thế kỷ XVIII, được coi là dòng "trung gian" giữa Hàng Trống và Đông Hồ, sử dụng bản khắc để in nét đen lên giấy sau đó tùy ý sáng tạo, có đề tài khá phong phú.
Ba dòng tranh nói trên quen thuộc với người dân Hà Nội. Nhưng tranh Làng Sình (Huế), Đồ Thế Nam Bộ và Kính Nam Bộ thì khác, chưa được nhiều người biết tới và bởi vậy, triển lãm là dịp hiếm hoi để người quan tâm tới tranh dân gian tìm hiểu. Tranh Làng Sình và Đồ Thế Nam Bộ dùng để thờ cúng, cúng xong thì đem đốt. "Vòng đời" ngắn ngủi nhưng kỹ thuật thể hiện, in tranh không hề cẩu thả. Tranh Kính Nam Bộ là sản phẩm mỹ nghệ có đề tài đa dạng: Thờ tổ tiên, thờ Thần, Phật, cảnh vật, chúc tụng…
Người xem còn có thể tìm hiểu thêm qua phim, ảnh về tranh dân gian và làng nghề được trình chiếu liên tục tại triển lãm cũng như tiếp cận với những ấn phẩm liên quan. Chẳng hạn như cuốn sách "Tranh tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt" (NXB Mỹ thuật, TS Trang Thanh Hiền chủ biên) vừa được cho ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trước nay, đã có nhiều ấn phẩm nhắc đến tranh Tết, in ảnh tranh dân gian nhưng có lẽ chưa cuốn nào cung cấp kiến thức đại cương về tranh Tết, miêu tả kỹ thuật, chú thích và nêu ý nghĩa của từng bức tranh một cách công phu và chi tiết như "Tranh tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt". Sách dày 100 trang in màu, có hình minh họa "bắt mắt", sinh động, giới thiệu "bộ tứ" tranh dân gian gồm Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình. Gặp chủ biên Trang Thanh Hiền tại triển lãm, chị nói rằng mình ấp ủ thực hiện cuốn sách từ lâu, đã nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định đưa những gì vào cuốn sách này. Vì muốn dành cho đối tượng phổ thông, đặc biệt là các em nhỏ nên chị chọn lối viết dễ hiểu, chi tiết.
Cả Nguyễn Thị Thu Hòa và Trang Thanh Hiền - hai người phụ nữ giữ vai trò quan trọng của sự kiện này đều khẳng định: Tranh dân gian Tết Việt Nam không chỉ thể hiện nét tinh hoa ngón nghề, sự tinh tế về thẩm mỹ, mà còn là nơi gửi gắm ước vọng về một cuộc sống sung túc, ấm no trong năm mới của người Việt Nam. Dòng tranh ấy sẽ có sức sống lâu bền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.