(HNMO) - Năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng thực thi chống buôn lậu, gian lận thương mại là kiểm soát công vụ, đấu tranh chống tiêu cực ngay trong nội bộ. Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, phương hướng năm 2021 do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức ngày 8-1 tại Hà Nội.
Xử lý trên 185.461 vụ vi phạm
Thông tin về tình hình công tác năm 2020, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, lợi dụng sự bùng phát của dịch Covid-19 và thiên tai xảy ra liên tục, các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn và ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ giả mạo xuất xứ Việt Nam, gây thất thu ngân sách và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Năm 2020, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước), thu nộp ngân sách nhà nước 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15,4% so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng (tăng 28,3% số vụ và 49,46% số đối tượng so với cùng kỳ). Trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 1,24 triệu vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 116,9 nghìn tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, thuốc lá; gian lận thuế xuất, nhập khẩu, kinh doanh và lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “Made in Việt Nam”.
Đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cán bộ
Trả lời câu hỏi về việc lực lượng quản lý thị trường đã thích ứng ra sao với thực tế quy mô thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, ông Nguyễn Kỳ Minh, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, hiện lực lượng quản lý thị trường cả nước chỉ có biên chế 65.000 công chức, viên chức, trong khi thị trường thì ngày càng mở rộng, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử.
Trước đây, cán bộ quản lý thị trường rất ngại kiểm tra các mô hình thương mại điện tử vì việc xác định đối tượng, hành vi rất khó. Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường đã tập trung đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm soát viên, trong đó có nghiệp vụ thương mại điện tử. Về dài hạn, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo chính quy lực lượng quản lý thị trường hệ đại học để có đội ngũ nhân lực đủ tinh thông, đáp ứng tình hình mới.
Ông Nguyễn Kỳ Minh cũng cho biết, việc kinh doanh thương mại điện tử lợi dụng chuyển phát nhanh để vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng đang rất nóng, trong đó có nguyên nhân từ những kẽ hở của Luật Bưu chính viễn thông, cũng là rào cản cho công tác quản lý thị trường. Thực tế này đòi hỏi phải sửa đổi Luật Bưu chính và Luật Viễn thông theo sát thực tiễn.
Về hiện tượng một số cán bộ trong lực lượng chức năng tham gia công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại có hành vi tiêu cực, tham nhũng, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, đối với các vụ việc tiêu cực xảy ra trong lực lượng đều cần được xem xét trách nhiệm tập thể và cá nhân. Những tập thể, cá nhân vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
“Năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là kiểm soát công vụ, đấu tranh chống tiêu cực ngay trong nội bộ lực lượng thực thi chống buôn lậu, gian lận thương mại”, ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh.
Trao đổi tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng cho biết, những năm qua, lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động truy quét, phòng, chống buôn lậu ma túy nên việc buôn bán ma túy tổng hợp ở biên giới phía Bắc cơ bản được ngăn chặn. Song các đối tượng buôn bán ma túy đã chuyển địa bàn tới vùng Bắc miền Trung và biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây được xem là khu vực có nhiều thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường biển.
Năm vừa qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán ma túy trên các tuyến này, trong đó riêng bộ đội biên phòng đã bắt giữ được 894 vụ và 1.485 đối tượng buôn bán ma túy, thu giữ 3.189kg ma túy các loại. Điển hình là vụ việc lợi dụng logictics để vận chuyển 40kg ma túy tổng hợp giấu trong khối đá tanit tại thành phố Hồ Chí Minh, hay vụ bắt giữ 98kg ma túy tổng hợp giấu trong tượng gỗ chuyển từ Lào về tại Hà Tĩnh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.