(HNM) - Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến người dân cùng các bộ, ngành và địa phương. Vấn đề này lập tức thu hút được sự quan tâm, góp ý của đông đảo nhân dân, đặc biệt là người lao động.
Ông Lê Văn Tuyên, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên: Tinh giản biên chế để loại bỏ cán bộ không có năng lực
Nếu quá trình tinh giản biên chế được thực hiện một cách chọn lọc, có tiêu chí cụ thể thì vấn đề cần quan tâm trước nhất là những trường hợp làm việc không hiệu quả, không đáp ứng được vị trí, công việc đang đảm nhiệm, sức khỏe yếu thì nên tự nguyện hoặc khuyến khích họ nghỉ hưu sớm. Đặc biệt đối với những cán bộ làm việc không hiệu quả, có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, gây bức xúc cho nhân dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả giải quyết công việc chung… thì nên cương quyết buộc thôi việc. Đồng thời, quá trình tuyển dụng nhân sự không nên ồ ạt, nể nang, sắp xếp bố trí cán bộ làm việc phù hợp theo chuyên ngành được đào tạo, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn hóa cao cho cán bộ… Như vậy, quá trình tinh giản biên chế sẽ thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, bộ máy làm việc sẽ không bị “phình” ra, không tốn tiền của Nhà nước.
Ông Lê Việt Dũng, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai: Giảm sự chồng chéo trong công tác quản lý hành chính nhà nước
Trong chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị hiện nay còn có sự chồng chéo trong công tác quản lý hành chính nhà nước và quản lý nghiệp vụ theo chuyên ngành, dẫn đến một ngành sẽ phải chịu sự quản lý của hàng loạt các cơ quan liên quan. Hoặc có những cơ quan chưa tách rõ chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng kinh doanh… khiến cho “đội ngũ quản lý” trở nên cồng kềnh. Vì vậy, tinh giản biên chế không chỉ là đối với đội ngũ công chức, viên chức, mà còn cần phải “tinh giản” cả chức năng quản lý hành chính nhà nước, nhằm hạn chế sự chồng chéo giữa các ngành, các cơ quan, từ đó giảm bớt “đội ngũ quản lý” cồng kềnh như hiện nay.
Anh Trần Hùng, phường La Khê, quận Hà Đông: Nên thành lập cơ quan độc lập để giám sát việc tinh giản biên chế
Việc tinh giản sẽ giúp cho các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm nhất vẫn là cách triển khai việc tinh giản biên chế sau này ở các bộ, ngành như thế nào? Vấn đề nữa là nếu đối tượng tinh giản biên chế thuộc diện có “ô”, “dù” lớn thì lãnh đạo cơ quan có dám đưa họ vào danh sách tinh giản? Thực tế cho thấy, Việt Nam đã nhiều lần thực hiện tinh giản biên chế, song cứ tinh giản được một vài năm thì bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương lại “phình” ra. Để chủ trương tinh giản thật sự có hiệu quả, đạt được kết quả như mong đợi, tránh xảy ra tình trạng nể nang… theo tôi trong quá trình thực hiện, Chính phủ cần thành lập một cơ quan độc lập để giám sát việc tinh giản biên chế.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Công ty Vận tải Du lịch Thiên Thảo Nguyên: Gắn với sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy
Không ít ý kiến đã cho rằng tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là cho nghỉ việc một số lượng cán bộ, công chức nào đó làm việc không hiệu quả… mà tinh giản biên chế phải góp phần sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy. Nhưng quan trọng hơn nữa, tinh giản biên chế phải góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, đồng thời giải quyết chế độ đối với những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo như báo cáo của Bộ Nội vụ thì Việt Nam hiện có 2,8 triệu công chức. Trong đó có khoảng 30% (tức 840.000 người) công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, do vậy nếu trong 6 năm (2014-2020), cả nước chỉ tinh giản 100.000 biên chế thì con số này chẳng thấm tháp vào đâu. Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu thêm sẽ tinh giản bao nhiêu là phù hợp và có lộ trình tinh giản biên chế theo từng năm, từng địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.