Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính đến giải pháp phi công trình

Nguyễn Đức| 10/03/2012 07:39

(HNM) - Ngoài kẹt xe, ngập úng là một vấn đề bức xúc ở TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua. Hàng loạt công trình đã được đầu tư xây dựng và đã đem lại hiệu quả nhất định, nhưng theo các chuyên gia thủy lợi, để chống ngập hữu hiệu, cần tích hợp đồng bộ các giải pháp và cần quan tâm nhiều hơn tới những giải pháp phi công trình.

Úng ngập là vấn đề bức xúc ở TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Ảnh: Đức Minh

Đẩy ngập ra ngoại thành?

Tại hội thảo mới đây, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) Hồ Long Phi đã đưa ra cách tiếp cận mới cho việc chống ngập ở TP. Theo ông Phi, TP có tổng diện tích gần 2.100km2 nhưng khoảng 1.000km2 nằm dưới cao trình +2, trong khi mực nước triều đã tăng từ 1,4m lên 1,6m. Các dự án thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, đã phát huy hiệu quả, giảm ngập đáng kể cho nội thành. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cho thấy ngập lụt đang có dấu hiệu lan rộng ra ngoại thành, trong thời gian tới nguy cơ rất cao. Thống kê vài thập kỷ qua cho thấy, số cơn mưa lưu lượng lớn đang tăng mạnh. Giai đoạn 1972-1981 và 1982-1991, mỗi giai đoạn chỉ có 2 cơn mưa trên 100mm, trong khi giai đoạn 1992-2001 có 4 cơn và giai đoạn 2002-2011 có tới 11 cơn. Số lần ngập do thủy triều cũng tăng.

Một vấn đề đáng lo ngại khác chưa được quan tâm đúng mức là tình trạng lún đang diễn biến mạnh, gấp khoảng 3 lần so với tốc độ nước biển dâng. Vài thập niên qua, mực nước biển dâng trung bình khoảng 0,5cm/năm, trong khi thành phố lún trung bình 1,5cm- 2cm/năm, có nơi tới 3cm/năm. Với những diễn biến trên, việc tìm kiếm giải pháp chống ngập thực sự hiệu quả, bền vững hết sức cấp thiết, thay vì "đẩy" nước từ chỗ này sang chỗ khác.

Tích hợp đồng bộ, thay vì mạnh đâu làm đó

Từ năm 2001 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định liên quan đến vấn đề chống ngập cho TP. Đó là Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19-6-2001, phê duyệt tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020; Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28-10-2008 phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh và Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025. Tuy nhiên, góc độ tiếp cận của các quyết định này còn có sự khác biệt nhất định, đặc biệt là thiếu tích hợp và thiếu đồng bộ. Đây cũng chính là vấn đề các nhà khoa học, quản lý đặc biệt quan tâm, bàn thảo nhằm tìm lời giải phù hợp, hiệu quả nhất cho chống úng ngập tại dự án lựa chọn chiến lược do Hà Lan tài trợ.

Ông Hồ Long Phi cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng tập trung nhiều vào giải pháp xây dựng công trình. Khoảng 1 tỷ USD đã được đầu tư nhằm nâng cao năng lực thoát nước, kiểm soát triều cục bộ nội thành. Theo Quyết định 1547/QĐ-TTg, sẽ có 12 cống lớn ngăn triều, 170km đê bao được xây dựng với kinh phí dự kiến (thời điểm đó) khoảng 600 triệu USD, nay có thể tăng lên tới 2-3 tỷ USD. Quyết định số 24/QĐ-TTg cũng tính đến cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, kênh sông và san nền cục bộ…

TP Bangkok (Thái Lan) có hệ thống đê bao, hồ chứa hoàn thiện, nhưng đã phải chịu trận ngập lụt khủng khiếp vào năm 2011. Đây là bài học đáng suy ngẫm khi nghiên cứu giải pháp chống ngập úng cho TP Hồ Chí Minh. Việc quá tin cậy vào giải pháp công trình, phát triển dân cư, đô thị ở vùng đất thấp, khi xuất hiện mưa lũ, triều bất thường sẽ dẫn tới

thiệt hại khủng khiếp. Lũ thượng nguồn rất khó dự báo và trên thực tế, dự báo càng xa độ sai lệch càng lớn, không nên dựa, căn cứ vào đó để xây dựng. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực cho các công trình lớn cũng không đơn giản, có thể dẫn tới "tranh" vốn cho dự án. Theo chuyên gia Hà Lan Michel Tonneijick, bên cạnh giải pháp công trình cần cả giải pháp phi công trình. Ông Trịnh Hoàng Ngân, chuyên gia thủy lợi cho rằng, so sánh giữa TP Hồ Chí Minh và Bangkok cũng có những khập khiễng nhất định, bởi đặc trưng thủy triều hai nơi rất khác nhau. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thực sự quan tâm đến những giải pháp phi công trình, phát triển đô thị, dân cư hợp lý. Còn theo ông Hồ Long Phi, để chống ngập hiệu quả cần có chiến lược tích hợp dựa trên nguyên tắc tôn trọng không gian dành cho nước và giảm thiểu thiệt hại thay vì hạ thấp nguy cơ. Thời gian qua, chúng ta đã phát triển ra vùng thấp, thiếu tôn trọng không gian của nước, quan tâm nhiều tới giải pháp xây dựng công trình bảo vệ chứ chưa để ý đúng mức đến giải pháp giảm nguy cơ cũng như thiệt hại. Việc xây dựng công trình bảo vệ là cần thiết, nhưng bên cạnh đó, phải duy trì các vùng trữ nước, "làm xanh" lại các vùng đô thị, phát triển quy hoạch xây dựng và đô thị phù hợp với quản lý lưu vực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tính đến giải pháp phi công trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.