Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính chuyên nghiệp ở đâu?

Dục Tú| 23/08/2012 06:31

1. Đã qua mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2012 có sự hiện diện của Công ty CP Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), một tổ chức có sự tham gia của một số ông bầu tâm huyết với nhiều ý tưởng cải tổ bóng đá Việt Nam, hướng tới đích chuyên nghiệp.

Trong suốt một năm ấy, cũng như chục năm qua kể từ khi bóng đá Việt Nam khoác áo "chuyên nghiệp", đã có nhiều ý tưởng phát triển nền bóng đá được trình bày, quyết liệt hoặc nhẹ nhàng nhưng dường như đích đến chuyên nghiệp thực sự vẫn còn xa vời lắm.

Nói hay có vẻ bao giờ cũng dễ hơn làm tốt. Như cái sự chống tiêu cực bao năm qua tưởng đâm vào ngõ cụt, năm nay lóe hy vọng với bao cam kết hành động mạnh mẽ, đến cuối giải có cơ vỡ tan như bong bóng xà phòng chỉ bởi một pha đá phạt góc của CLB Hà Nội T&T. Trước pha bóng ấy, diễn ra ở những phút bù giờ trong trận đấu cuối giải giữa CLB Hà Nội T&T với chủ nhà Sài Gòn Xuân Thành khi tỷ số vẫn là 0-0, khán giả Việt Nam vẫn chưa rõ ai sẽ lên ngôi vô địch. Lúc ấy, Sài Gòn Xuân Thành vẫn đang gắng gỏi ghi bàn, những mong lần đầu giành cúp, Hà Nội T&T chỉ cần biến pha phạt góc ấy thành bàn là lên ngôi vương; ở sân Chi Lăng, chủ nhà SHB Đà Nẵng đã thắng trong trận đấu cùng giờ nhưng chỉ có thể vô địch nếu trận Sài Gòn Xuân Thành - Hà Nội T&T kết thúc với tỷ số hòa. Kịch tính là thế, cơ hội là thế mà khi bắt đầu pha phạt góc, phía Hà Nội T&T chỉ có đúng một cầu thủ trước khung thành đối phương. Người hâm mộ giả định, mà cũng là nói thẳng, rằng Hà Nội T&T lúc ấy không muốn vô địch mà chỉ muốn thủ hòa để mang chức vô địch cho SHB Đà Nẵng. Nhìn ra các giải chuyên nghiệp ở Châu Âu, thật khó được chứng kiến cảnh hy hữu ấy?

Có cái sự tréo ngoe là bởi giữa SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, như người ta nghi ngại là có mối quan hệ kiểu "hai đội bóng, một ông chủ", dễ có tâm lý "lọt sàng xuống nia", hỗ trợ nhau giành chức vô địch. Nếu là một nền bóng đá chuyên nghiệp đích thực, mọi sự nghiêm ngặt thì liệu có chuyện "không muốn vô địch" hay không?

2. Trên thế giới, nói bóng đá chuyên nghiệp thì không thể bỏ qua chuyện tiền. Tiền mua cầu thủ, tổ chức trận đấu, trả lương, đào tạo trẻ, chi thưởng... Những khoản chi ấy được bù đắp một phần nhờ bán cầu thủ, áo đấu, vé, tiền quảng cáo, bản quyền truyền hình, tiền thưởng khi tham gia những giải đấu quan trọng… Đội thắng nhiều càng có nhiều tiền, cầu thủ và CLB cùng hưởng lợi. Có lẽ vì thế mà ai cũng phải cố gắng để được thưởng, được hưởng lương cao. Đó là biểu hiện của một nền bóng đá chuyên nghiệp, nơi các CLB có rất nhiều tiền nhưng không phải chỉ là tiền của một cá nhân, đơn vị nào đó. Nếu "bầu sữa" Mạnh Thường Quân - ông chủ không còn, đa số CLB vẫn có thể duy trì hoạt động nhờ các khoản thu khác, dù là khó khăn hơn.

Ở ta, có CLB chuyên nghiệp nào có được khoản thu nhờ kinh doanh áo đấu, bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình… đủ để duy trì hoạt động trong một mùa giải? Nếu không có "nguồn sữa" từ các ông bầu, từ địa phương, ai dám nói Hoàng Anh Gia Lai, Sài Gòn Xuân Thành, B. Bình Dương… tự thân tồn tại? Nếu câu trả lời là không, thử hỏi nền bóng đá đã là chuyên nghiệp đầy đủ?

Đó là chưa kể những điều khác, những nhân tố cấu thành một nền bóng đá chuyên nghiệp như điều lệ, quy chế tổ chức các cấp độ giải và xử lý vấn đề phát sinh ở ta đã rõ chuyên nghiệp hay chưa…

3. Đã đến lúc cần xác định lại thực trạng bóng đá nước nhà, tìm ra điều còn yếu để tìm giải pháp khắc phục thay vì tự hài lòng với mác "chuyên nghiệp" còn nhiều khiếm khuyết. Có những việc phải làm bằng được, như là minh bạch hóa vấn đề sở hữu các CLB bóng đá nhằm tạo ra sự công bằng, trung thực. Như là xây dựng quy chế thưởng - phạt nghiêm minh, cụ thể, dễ áp dụng và thực hiện những điều khoản đã đặt ra một cách quyết liệt… Những việc ấy thành hiện thực mới có thể tạo dựng niềm tin ở các cổ động viên, khiến họ đến sân nhiều hơn, như cái thời sôi động nửa cuối thế kỷ trước.

Bóng đá là trò giải trí mang ý nghĩa xã hội lớn lao. Một thứ bóng đá trong trẻo còn có ý nghĩa góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, không thể lơ là được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tính chuyên nghiệp ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.