(HNM) - Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, nước ta có hàng triệu người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc... Thực hiện lời kêu gọi Đền ơn đáp nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta không ngừng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, xác định công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… là trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc dành cho những người hy sinh vì Tổ quốc.
Tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ người có công. Với tinh thần ấy, “Ngày Thương binh toàn quốc” ra đời (27-7-1947), với vô vàn việc nghĩa nở rộ, lan tỏa trên cả nước.
Đến nay, cả nước có hơn 9 triệu người có công (chiếm 10% dân số), trong đó gần 9 nghìn người hoạt động cách mạng trước năm 1945; gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 111 nghìn người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; hơn 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; 312 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Cả nước hiện có hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp ưu đãi, với tổng kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm.
Phong trào chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, thông qua nhiều việc làm cụ thể như: Xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; phong trào đăng ký và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, cả nước đã đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 3.481 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa gần 165 nghìn nhà tình nghĩa, tặng 159.000 sổ tiết kiệm, trị giá gần 995 nghìn tỷ đồng...
Hằng năm ngân sách trung ương chi trợ cấp, phụ cấp dành cho người có công trên 30.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho người có công, cả nước đã dành hơn 11 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 400 nghìn gia đình, trong đó Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về công tác này.
Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được chủ động và đạt kết quả tích cực. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, nhiều công trình có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn… Trong 5 năm qua, cả nước đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ, trả lại danh tính cho 3.423 liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN.
Trước việc còn tồn đọng nhiều hồ sơ kê khai chưa được xác nhận, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 30, Nghị quyết 40, giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công, gồm 7 bước, giải quyết với yêu cầu xem xét thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm yêu cầu pháp luật và công khai minh bạch. Cách làm mới này đã giúp xác nhận thêm trên 2.000 hồ sơ; bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 498 liệt sĩ. Đây là nén tâm nhang ý nghĩa dâng lên các liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này.
Lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa
Những con số kể trên là những mảnh ghép ý nghĩa tạo nên bức tranh toàn cảnh đa sắc màu cho phong trào Đền ơn đáp nghĩa. Tuy nhiên, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công vì nhiều lý do chưa được hưởng chính sách ưu đãi, đời sống còn khó khăn. Hiện vẫn còn trên 200 nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt; trên 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính... là nỗi đau khắc khoải trong mỗi chúng ta.
Bởi những lý do trên, công tác chăm sóc người có công cần tiếp tục được thực hiện bằng tình cảm, lương tâm và trách nhiệm. Đó là tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội, đồng thời huy động nguồn lực, giúp đỡ gia đình người có công, phấn đấu đến năm 2020: 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân nơi cư trú; giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng; hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở người có công giai đoạn 2 theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thể hiện lòng tri ân. Mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình hãy có một việc làm cụ thể, góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách với mục tiêu: Không một thương binh nào cần xe lăn mà không có xe lăn; các con liệt sĩ và thương binh nặng chưa có việc làm đều được giúp đỡ; thêm nhiều căn nhà của thương binh, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam; gia đình liệt sĩ và gia đình chính sách được xây mới hoặc sửa chữa.
Chăm lo cho người có công là trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống hằng ngày bằng những suy nghĩ, việc làm cụ thể.
Đào Ngọc Dung
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.