Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu vui cho đào tạo nghề chất lượng cao

Hà Hiền| 30/05/2018 06:56

(HNM) - Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X - năm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội thành công trên nhiều phương diện. Trong bối cảnh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nước ta còn thấp, thanh niên thất nghiệp còn nhiều, những tín hiệu vui từ Kỳ thi tay nghề quốc gia đã gợi mở hướng tuyển sinh, đào tạo nghề chất lượng cao hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.


Nhiều khởi sắc

Do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân và cộng đồng xã hội về việc học nghề, làm nghề, nên hệ thống các trường nghề phải chật vật chiêu sinh trong thời gian dài. Xác định rõ việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng là giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ quan chức năng đã thu hút, khuyến khích người lao động tham gia học nghề bằng nhiều hình thức.

Các thí sinh đua tài tại Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018. Ảnh: Thu Hiền


Đối với học sinh phổ thông, các em được tiếp cận với thông tin tuyển sinh, thị trường lao động, việc làm; được tư vấn, định hướng nghề nghiệp trong những năm học cuối cấp. Từ nguồn thông tin chính xác, đa dạng, học sinh hiểu rõ nhu cầu, năng lực của bản thân để lựa chọn con đường lập nghiệp phù hợp. Với những người đã tham gia lao động xã hội, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị sử dụng lao động tổ chức đào tạo và đào tạo lại. Nội dung, chương trình đào tạo nghề theo sát nhu cầu của thị trường, sự tiến bộ của khoa học, công nghệ giúp người học có thể vững tay nghề từ khi chưa tốt nghiệp. Điều này được khẳng định phần nào qua Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X - năm 2018. Tại kỳ thi này, 303/520 thí sinh đã đoạt giải ở những nghề xã hội đang cần, như: Thiết kế kỹ thuật cơ khí, công nghệ ô tô, cơ điện tử, tự động hóa công nghiệp, robot di động, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin…

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chủ trương đổi mới giáo dục nghề nghiệp được cụ thể hóa bằng các giải pháp linh hoạt, đã mang đến sự khởi sắc cho công tác đào tạo nghề. Trong hai năm trở lại đây, mỗi năm mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh hơn 2 triệu người. Một số trường nghề uy tín: Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Việt - Xô, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội,… đã thu hút số người đăng ký học nghề vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Đáng mừng, cả nước có khoảng 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 4,6 triệu đến 5,2 triệu đồng/người/tháng. Một số ngành, nghề xã hội đang cần có mức lương khoảng 8-10 triệu đồng/ người/tháng. Với đà này, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta sẽ đạt khoảng 25% vào cuối năm nay và tăng lên hơn 30% trong vài năm tới.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao


Trong chuỗi các hoạt động, giải pháp được triển khai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, việc tổ chức kỳ thi tay nghề quốc gia hằng năm là hoạt động tạo điểm nhấn, góp phần khẳng định uy tín, năng lực của lao động Việt Nam trên trường quốc tế. Sau kỳ thi trong nước, những thí sinh xuất sắc nhất được lựa chọn tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN và Kỳ thi tay nghề thế giới. Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 - năm 2017, thí sinh Trần Nguyễn Bá Phước, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh giành Huy chương đồng về nghề giải pháp công nghệ thông tin và 5 thí sinh khác được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Có thể thấy, năng lực tay nghề của thí sinh Việt Nam đứng ở tốp đầu với nhiều ngành, nghề. “Bước ra từ các kỳ thi tay nghề, thí sinh được nhiều doanh nghiệp trong nước, quốc tế chào đón. Thí sinh giỏi nghề có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm, có thể chủ động thương lượng mức lương hằng tháng” - Trần Nguyễn Bá Phước chia sẻ.

Nhìn lại các kỳ thi tay nghề, không khó để nhận thấy, những thí sinh đoạt giải cao tập trung ở những ngành, nghề uy tín, chất lượng của những trường nghề có thương hiệu. Điều đó chứng tỏ, việc quy hoạch mạng lưới các trường nghề chất lượng cao với một số nghề trọng điểm được triển khai trong những năm gần đây bước đầu phát huy hiệu quả. Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng chú trọng năng lực thực hành của học sinh, sinh viên; đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, nhằm bảo đảm đầu ra cho người học". Trong công tác tuyển sinh năm 2018, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng… cũng ưu tiên tuyển sinh đối với các ngành, nghề doanh nghiệp thiếu, thị trường cần.

Ngoài sự nỗ lực của các trường nghề, sự hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan chức năng đã và đang tạo đà cho hoạt động đào tạo nghề chất lượng cao phát triển. Đại diện nhiều trường nghề kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các ngành trọng điểm, nghề chất lượng cao. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo chính xác về thị trường lao động, việc làm; nghiên cứu thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hoặc câu lạc bộ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên trường nghề, tạo môi trường thuận lợi cho các em biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và làm lan truyền tình yêu nghề trong giới trẻ.

Thành công của các kỳ thi tay nghề, những tín hiệu khởi sắc của hoạt động đào tạo nghề chất lượng cao đã và đang bồi đắp, củng cố thêm niềm tin cho những người lựa chọn học nghề để lập thân, lập nghiệp; đồng thời gợi mở hướng phát triển nghề nghiệp hiệu quả, bền vững, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu vui cho đào tạo nghề chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.