Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu tích cực

Vinh Sơn| 04/01/2012 07:15

(HNM) -VĐV thể thao mắc chấn thương trong luyện tập và thi đấu là chuyện thường xảy ra. Lịch sử thể thao Việt Nam ghi nhận nhiều tuyển thủ giỏi phải giã từ sự nghiệp chỉ vì không được chữa trị phù hợp, do sai sót trong chẩn đoán chấn thương, do thiếu kinh phí… Thực tế cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe VĐV thể thao cần được xã hội hóa mạnh mẽ.


Hỗ trợ VĐV - nhu cầu có thực

Ai cũng biết đã theo nghiệp thể thao đỉnh cao, nguy cơ chấn thương đối với các VĐV là chuyện thường trực, đặc biệt ở các môn có độ khó cao hoặc đòi hỏi cường độ luyện tập lớn như thể dục dụng cụ, võ, vật, điền kinh... Nhưng thực tế, không phải lúc nào ngành thể thao cũng có đủ kinh phí để giúp VĐV chữa trị dứt điểm. Đây đó đã có những chuyện đáng tiếc mà chỉ khi báo giới vào cuộc, các nhà hảo tâm ra tay thì những trường hợp chấn thương của VĐV karate Vũ Thị Nguyệt Ánh, thủ môn bóng đá nữ Kim Hồng, VĐV vật Lê Thị Huệ… mới có được sự chữa trị cần thiết. Nhiều ca nặng, phải đưa ra nước ngoài chữa trị, cần sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn xã hội hóa chứ chỉ ngành, bộ môn lo thôi thì không đủ sức.

Sự ra đời của quỹ hỗ trợ VĐV thể thao sẽ góp phần giúp VĐV yên tâm cống hiến nhiều hơn cho thể thao nước nhà. Ảnh: Hồ Ý


Hiện tại, cơ chế điều trị chấn thương cho VĐV dựa trên bảo hiểm và tự thanh toán của VĐV (nếu vượt khung bảo hiểm). Chủ trương của Tổng cục TDTT và các liên đoàn thể thao thời gian qua là muốn các đoàn thể thao ở các tỉnh, thành mua bảo hiểm cho VĐV trong các sự kiện thể thao diễn ra ở địa phương. Về phần mình, tổng cục sẽ mua bảo hiểm chấn thương khi VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Nhưng thực tế, chấn thương của các VĐV lại thường không bộc lộ ngay trong quá trình thi đấu mà phải sau một thời gian. Trong trường hợp đó, VĐV có thể phải tự bỏ tiền để chữa trị do không chứng minh được với các công ty bảo hiểm mối liên hệ giữa chấn thương của bản thân với thời gian thi đấu thực tế.

Kể ra như thế để thấy, nhu cầu hỗ trợ chữa trị các VĐV bị chấn thương đã là rất lớn.

Lập quỹ hỗ trợ VĐV thể thao

Tạm gác lại những tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá vốn khó có thể có hồi kết trong một sớm một chiều, phía Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đang xúc tiến việc thành lập Quỹ Hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam. Dự kiến, quỹ này sẽ ra mắt vào ngày 5-1, với số vốn ban đầu 2 tỷ đồng.

Sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam là rất cần thiết. Vấn đề là quỹ đó sẽ hoạt động như thế nào để có hiệu quả, thực sự hỗ trợ được các VĐV? Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang - một trong các cổ đông sáng lập quỹ cho biết: Việc tài trợ, hỗ trợ VĐV bị chấn thương chắc chắn là mối quan tâm hàng đầu. Với các ca khó, quỹ sẽ huy động vốn để đưa VĐV đi chữa trị ở nước ngoài, như tại Singapore, Trung Quốc, Đức... Nhưng mọi sự không chỉ dừng ở đó, bởi như thế vẫn còn quá hẹp so với nhu cầu cần được hỗ trợ của các VĐV. Quỹ này còn góp phần thưởng cho VĐV có triển vọng tốt nhưng có hoàn cảnh quá khó khăn. Mặt khác, với những VĐV có khả năng tích điểm, giành suất chính thức dự olympic, Asiad nhưng ngành thiếu kinh phí cho tập huấn, thi đấu nước ngoài, quỹ cũng sẽ trích một phần để hỗ trợ kịp thời.

Thời gian đầu, quỹ sẽ hỗ trợ các liên đoàn bóng đá, điền kinh, thể dục, taekwondo, vovinam, bóng rổ. "Điều quan trọng nhất là sự chuẩn xác, hợp lý trong việc xác định đối tượng cần được hỗ trợ. Tôi tin vào hiệu ứng xã hội mà quỹ này tạo ra. Bởi khi đi vào hoạt động, quỹ sẽ là chủ thể độc lập, không thuộc về AVG hay các sáng lập viên của quỹ. Quỹ sẽ được vận động quyên góp, vận động tài trợ từ các cá nhân và tổ chức để thực hiện mục tiêu hỗ trợ VĐV" - ông Hoàng Vĩnh Giang nhấn mạnh.

Từ "pháo lệnh" đầu năm, hy vọng sẽ có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chung tay góp sức chăm sóc sức khỏe VĐV, giúp họ toàn tâm cống hiến cho đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.