Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu lạc quan cho Châu Âu

Thùy Dương| 19/09/2016 06:47

(HNM) - Với mục tiêu tái thiết lòng tin công chúng trong Liên minh Châu Âu (EU), tạo sự đoàn kết nội khối cũng như “sức sống” mới sau khi Anh ra đi (còn gọi là Brexit), Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của EU diễn ra tại Bratislava (Slovakia) cuối tuần qua được đánh giá khá thành công.

Dù không có đại diện của Anh, nhưng 27 lãnh đạo các nước thành viên đã thống nhất về một lộ trình các chiến lược mới. Dự kiến kế hoạch về những cam kết hợp tác mới này sẽ được công bố vào tháng 3-2017, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước thành lập EU được ký kết tại Rome (Italia). Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thống Pháp Francois Hollande đánh giá cao sự hợp tác của các nước thành viên với việc đạt được thống nhất chung về một tầm nhìn hậu Brexit tại hội nghị lần này, đồng thời bày tỏ lạc quan về sự phát triển của EU sau khi Anh rời ngôi nhà chung.

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava (Slovakia).



Hội nghị diễn ra trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó mối đe dọa về an ninh được cho là thách thức lớn nhất. Các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp tại một số nước Châu Âu, những cuộc xung đột vũ trang hay nội chiến kéo dài tại các nước láng giềng của Cựu lục địa dẫn tới làn sóng người di cư không thể kiểm soát nổi. Cùng với đó là những hệ lụy của chính sách chào đón người di cư đang tạo ra nỗi lo sợ và bất ổn trên toàn khu vực này. Sự rạn nứt trong nội bộ EU khi giải quyết những vấn đề này ngày càng lớn và cho đến nay vẫn chưa thể hàn gắn. Đơn cử như cơ chế phân bổ hạn ngạch 160.000 người di cư tại Italia và Hy Lạp cho các nước thành viên của liên minh đang gây tranh cãi quyết liệt giữa nhiều nước. Hệ quả của nó là một số nước đã phải tìm cách giải quyết riêng của mình.

Nhiều năm khủng hoảng kinh tế đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở khu vực phía Nam Châu Âu trong khi hàng loạt vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện cũng như dòng người nhập cư kỷ lục đã khiến không ít cử tri các nước Châu Âu quay sang ủng hộ các đảng phái có tư tưởng dân tộc. Sau hơn một thế kỷ hợp tác chặt chẽ, những lo ngại đang gia tăng hiện nay về nguy cơ EU có thể bị tan rã khi niềm tin vào hòa bình và thịnh vượng của hơn 500 triệu cư dân châu lục này đang bị xói mòn. Cùng với đó, sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6 vừa qua tại Anh về việc nước này rời khỏi EU, Châu Âu phải đối mặt với rất nhiều thách thức đe dọa nội bộ. Mặc dù đều cho rằng cần phải có hành động cụ thể khi xứ Sương mù chính thức rời mái nhà chung, song cho tới nay EU vẫn chưa thể thống nhất về một phản ứng chung hậu Brexit. Do vậy, Hội nghị Thượng đỉnh lần này, được gọi là không chính thức do Anh không tham dự, tổ chức nhằm mục tiêu vãn hồi lòng tin của người dân về EU - một tổ chức bảo hộ cho hòa bình và thịnh vượng của Châu Âu - nhưng giờ đây đang đứng trước một cuộc khủng hoảng sinh tồn.

Trong một cuộc họp được xem là "trù bị" cho Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava, Tổng thống Pháp F.Hollande đã đề xuất 3 ưu tiên hàng đầu để khôi phục EU sau khủng hoảng. Đó là: Bảo vệ các đường biên giới bên ngoài EU thông qua lực lượng biên phòng và kiểm soát bờ biển; Tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước EU, xây dựng một nền quốc phòng độc lập, tách biệt khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ; Tạo xung lực mới cho Châu Âu thông qua việc quan tâm hơn đến giới trẻ bằng cách tổ chức chương trình Erasmus (trao đổi tăng cường cấp đại học). Ngoài ra, Pháp cũng muốn tăng cường quỹ đầu tư EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Các nhà phân tích đánh giá rằng Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava đã thành công khi 27 nhà lãnh đạo EU đạt sự đồng thuận về tăng cường an ninh nội khối nhằm chống khủng bố và củng cố an ninh biên giới chung. Tuy nhiên, bên cạnh sự thống nhất về tầm nhìn của khối, hội nghị cũng không thể vượt qua được những bất đồng sâu sắc liên quan đến việc xử lý dòng người nhập cư và chính sách phát triển kinh tế.

Dù còn quá sớm để có thể khẳng định những động thái trên đã đủ để làm hài lòng người dân Châu Âu hay chưa, nhưng kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava cho thấy, giới lãnh đạo EU đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn, sự bảo vệ và đoàn kết sẽ trở thành ưu tiên chung của 27 nước thành viên EU sau Brexit để thể hiện rằng EU sẽ nỗ lực đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu lạc quan cho Châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.