(HNM) - Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất vốn đầu tư trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, song việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn nhiều khó khăn.
Để mở rộng hỗ trợ tín dụng cho mục tiêu cơ giới hóa, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây, Công ty Công nông nghiệp Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội… đã tổ chức hội nghị ký kết hợp tác, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô…
Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt |
Ba năm qua, các chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT trên địa bàn thành phố đã cho hàng trăm hộ gia đình, HTX vay vốn mua máy gặt đập liên hợp và máy làm đất.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Minh (Công ty Công nông nghiệp Hà Nội), việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay trên địa bàn thành phố nói riêng, cả nước nói chung mới chỉ tập trung ở khâu làm đất, các khâu khác vẫn thủ công là chính. Nguyên nhân là các HTX và các hộ dân khó khăn nguồn vốn, nên chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thêm nữa, thủ tục vay còn rườm rà, phải qua nhiều bước thẩm định, từ hồ sơ vay tiền đến hồ sơ mua máy, thiết bị, khiến người dân vẫn không mấy mặn mà.
Theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện thông qua hợp đồng tín dụng vay vốn của các ngân hàng thương mại, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố. Quy định như vậy, nhưng việc triển khai gặp không ít khó khăn, vì thủ tục phiền phức với nhiều loại giấy tờ phải có sự xác nhận của chính quyền và các cơ quan liên quan. Ngoài văn bản đề nghị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã (theo mẫu), để được hưởng ưu đãi lãi suất, các tổ chức, cá nhân phải có bản sao hợp lệ: Hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, bản kê tính lãi của ngân hàng thương mại, hóa đơn mua máy móc, thiết bị, nhất là phải có hóa đơn VAT… Trên thực tế, nhiều hộ gia đình đã mua máy, nhưng không hoàn thành được các thủ tục để nhận hỗ trợ. Năm 2013, thông qua Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có 55 máy nông nghiệp được mua theo chương trình hỗ trợ ưu đãi tín dụng và từ đầu năm 2014 đến nay có 32 máy. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hồ sơ, giấy tờ, còn thực tế tiền hỗ trợ lãi suất đến với nông dân, HTX thấp hơn rất nhiều.
Tại hội nghị ký kết hợp tác, hướng dẫn cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Agribank Hà Tây Đỗ Đức Dục khẳng định, đơn vị luôn ưu tiên cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn và điều đó được thể hiện dư nợ ở khu vực này luôn chiếm hơn 80% tổng dư nợ. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã đến với nông hộ, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh ở các huyện ngoại thành. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khách hàng, nhất là nhóm khách hàng mua máy móc thiết bị cơ giới hóa như máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cấy… có thể thấy vấn đề cần giải quyết chính là tài sản thế chấp. Bởi một máy làm đất cỡ trung bình hiện khoảng hơn 300 triệu đồng, máy gặt đập liên hợp có loại lên tới cả tỷ đồng... Nhiều nông hộ, HTX không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không có tài sản thế chấp, đơn vị đã linh hoạt, phối hợp với Công ty Công nông nghiệp Hà Nội lấy chính máy móc đó làm tài sản thế chấp. Mặt khác các thủ tục trong hồ sơ vay vốn cũng đã được tinh giản và có cán bộ ngân hàng, khuyến nông, rồi cán bộ xã, cán bộ kinh doanh của công ty bán máy nông nghiệp cùng nhau lo thủ tục cho nông dân, HTX...
Ông Đào Văn Thuận, Phó Chủ nhiệm HTX NN Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho rằng, dù chính sách đã có, nhưng do chưa nắm chắc, đôi lúc còn mơ hồ, nhiều chủ hộ gặp phải khó khăn sinh tâm lý ngại ngần. Nay, HTX đã sẵn phần nào nguồn vốn, thêm hỗ trợ của ngân hàng, tới đây sẽ mua 3 máy làm đất, khoảng 1 tỷ đồng để được hưởng ưu đãi. Đây thực sự là "động lực" để HTX thay thế các loại máy đã cũ, hoạt động không hiệu quả. Ông Phạm Quang Trường, ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín cũng đã sẵn sàng làm hồ sơ để mua 10 máy làm đất loại nhỏ, chuẩn bị cho vụ xuân 2015. Hy vọng rằng, với sự bắt tay, liên kết 4 bên trong việc đưa chính sách hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp sẽ vượt qua giai đoạn khởi động để có những bước phát triển mới. Nếu mô hình liên kết hỗ trợ này thành công, sẽ là bài học kinh nghiệm để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng trong các lĩnh vực: Cơ giới hóa trong chăn nuôi, trong nuôi trồng thủy sản mà Hà Nội cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Là địa phương có diện tích đất lúa lớn thứ hai cả nước với trên 110.000ha, năm 2013, Hà Nội đã đầu tư 460 máy làm đất 15 mã lực và 195 máy làm đất 24 mã lực, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất từ 69,22% lên 85,1%; 78 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 10,1%; 167 máy cấy, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa từ 0,04% lên 1,64%... Mục tiêu của thành phố đến năm 2016, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 90%, gieo cấy 20%, gặt đập 30%... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.