Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín chỉ và những chuyện dở khóc dở cười

Hà Nguyễn| 28/10/2010 15:00

Đào tạo tín chỉ hiện nay đã được đưa vào áp dụng ở nhiều trường đại học và thu được kết quả khả quan, tuy nhiên không ít sinh viên, kể cả những sinh viên năm cuối cũng vẫn luôn cảm thấy bỡ ngỡ, thậm chí có phần ngậm ngùi khi nhắc tới chuyện học tín chỉ.


Gian nan khi đăng kí


Cho phép sinh viên chủ động trong việc đăng kí môn học, thời gian thi và mở ra cơ hội ra trường sớm cho những sinh viên có năng lực, đào tạo tín chỉ hứa hẹn mở ra một phương thức hiện đại hơn và năng động hơn cho giáo dục nước nhà. Nhưng hầu hết các sinh viên từ trước tới nay vẫn quen với kiểu đào tạo theo niên chế vẫn chưa thể thích nghi về việc học tín chỉ.

Bản thân họ cũng chưa tận dụng được thế mạnh của hình thức đào tạo này. Hơn nữa, do hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu và yếu khiến cho sinh viên cảm thấy khó thích nghi. Chuyện sinh viên khổ sở về việc đăng kí học tín chỉ đã không còn là một câu chuyện xa lạ.

Trang, sinh viên khoa Quản trị doanh nghiệp K42, ĐH Thương mại, hiện đã tốt nghiệp vào tháng 9/2010 tâm sự: “Đến thời gian đăng kí học tín chỉ, hầu như bọn mình đều thức rất khuya. Chuyện 1,2h đêm đánh thức nhau dậy đăng kí môn học là chuyện bình thường. Nhiều khi mạng chập chờn, số lượng người truy cập quá lớn khiến cho việc đăng kí môn học thường gặp trục trặc. Đứa bạn mình có lần đăng kí xong xuôi, sáng hôm sau check lại, tá hỏa vì trang web báo bạn ấy không đăng kí được môn nào”.

Một sinh viên khác của khoa Quản trị doanh nghiệp k42, ĐH Thương mại cũng cho biết:"Cách đăng ký tín chỉ còn nhiều bất cập do trang web của trường quá kém, nhiều người vào là chậm không vào nổi, chờ đợi lâu. Mặc dù được gọi là tín chỉ nhưng các học phần vẫn là bắt buộc đối với những môn tự chọn, ví dụ chỉ có 3 môn phải chọn 1 hoặc 2. Hoặc là số lớp mở ra thì ít nhưng cho sinh viên khóa dưới đăng ký học nhanh dẫn đến sinh viên đúng khóa thì không đăng ký được, dẫn tới tình trạng bị kéo dài thời gian do phải đăng ký lại ở kì sau. Đặc biệt là tình trạng nhảy lớp và có khi đăng ký học thể dục nhảy cao lại thành cầu lông”.

Phạm Nhung, sinh viên Sư phạm văn, ĐHKHXH&NV chia sẻ: “Hệ thống mạng của nhà trường hay bị lỗi nên chuyện đăng kí nhầm xảy ra như cơm bữa. Học tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải có thời gian tự học 3h ở nhà, tương ứng với 1h học ở trên lớp nhưng nếu nhìn vào thời khóa biểu của bất kì sinh viên nào cũng thấy họ chỉ còn 2h để ngủ, chưa kể đến chuyện sinh hoạt, vui chơi”.

Lịch thi chồng chéo, sinh viên chạy sô khắp các giảng đường là chuyện không còn xa lạ. Trên các diễn đàn bàn về học tín chỉ ở nhiều trường đại học, thấy rất nhiều các topic than thở về việc không đăng kí được môn học dù đã trực chiến 2,3 ngày vì mạng lỗi liên tục, ngay cả khi “khổ chủ” hì hục thử hết các trình duyệt và thay cả proxi.

Khổ với bảng điểm...

Bảng điểm hệ 4 với những nguyên tắc quy đổi từ hệ 10 đã khiến nhiều sinh viên và các cán bộ phòng đào tạo gặp nhiều khó khăn. Vì có hai loại điểm nên rất dễ nhầm lẫn, việc xác nhận bảng điểm cũng trở nên vất vả hơn. Phương Hiền, sinh viên K51, ĐHKHXH&NV kể lại kỉ niệm xin xác nhận bảng điểm chuyển tiếp cao học năm 2010: “Bảng điểm theo tín chỉ có cả hệ 4, hệ 10 và hệ chữ nên mình và các bạn phải xin lại bảng điểm khá nhiều lần mới đạt tiêu chuẩn. Hôm xin xác nhận bảng điểm, hầu như cả khoa mình phải huy động giảng viên đi so bảng điểm cho từng sinh viên một. Thầy phó khoa còn phải ở lại muộn hơn giờ làm để kí xác nhận cho sinh viên”.

Bảng điểm hệ 4 cũng khiến nhiều sinh viên trong diện khen thưởng chịu thiệt thòi. Trong lễ tuyên dương 201 sinh viên tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chỉ có 90 sinh viên được xếp lên nhận bằng để ghi hình. Để lựa chọn 90 sinh viên này, các tình nguyện viên đã lựa chọn theo điểm từ cao xuống thấp và theo thói quen, đã xếp các bạn bảng điểm hệ 10 lên trên các bạn có bảng điểm hệ 4. Điều này đã khiến cho không ít bạn có thành tích học tập xuất sắc chỉ vì “trót” có bảng điểm hệ 4 mà phải “ngậm ngùi” ngồi dưới làm khán giả.

Đào tạo tín chỉ với bảng điểm hệ 4 đã gây ra không ít khó khăn cho sinh viên khi xin việc. Trần Thị Đông, sinh viên K51, ĐHKHXH&NV, hiện nay vẫn chưa thể xin được việc làm và một trong những lí do cho điều đó là bảng điểm hệ 4 với các điểm tổng kết toàn 2,3 rất khó lòng thuyết phục được nhà tuyển dụng vốn đã quen với bảng điểm hệ 10, đặc biệt là đối với việc tuyển dụng ở các trường sư phạm. Sinh viên trên cho biết, hiện phòng đào tạo chỉ chấp nhận xác nhận điểm hệ 10 cho từng môn học và vẫn giữ nguyên điểm tổng kết hệ 4.

Nhiều sinh viên sư phạm không thể giải thích được với nhà tuyển dụng về bảng điểm 3,4 của mình và khi nhận được bảng điểm hệ 10 sau rất nhiều cố gắng thì phần nhiều cơ hội việc làm đó đã qua đi.

Không thể phủ nhận được những khía cạnh tích cực của hình thức đào tạo mới mẻ này, giống như có nhiều sinh viên vẫn mơ giấc mơ “đi tắt qua giảng đường”, nhưng sự khập khiễng giữa kì vọng và thực tế trong cơ sở vật chất cũng như tiềm lực con người đã khiến cho hình thức đào tạo này chưa thể phát huy được hết thế mạnh. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín chỉ và những chuyện dở khóc dở cười

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.