Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm về tuổi thơ cùng “Hà Nội của tôi”

An Tâm| 04/10/2016 06:48

(HNM) - Như những đại sứ văn hóa lưu giữ giá trị truyền thống của cội nguồn, nhóm bạn trẻ thuộc Câu lạc bộ (CLB)


Đem trò chơi truyền thống đến bạn trẻ

Trong thời hội nhập, ở Hà Nội không khó để chúng ta tìm thấy những đặc sắc văn hóa, nghệ thuật của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, sự xuất hiện thêm những luồng văn hóa mới đã làm cho nhiều giá trị truyền thống dần phai nhạt, thậm chí không còn chỗ đứng trong đời sống. Nhận thức và nắm bắt được xu hướng đó, CLB "My Hà Nội" đã tìm cách lôi cuốn mọi người trở về quá khứ, trở về những năm tháng của tuổi thơ thông qua các trò chơi dân gian thú vị.

Trò chơi dân gian giúp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn.


Xuất hiện từ khá lâu nhưng đến năm 2015, "My Hà Nội" mới thực sự trở lại và tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng mọi người bởi những hoạt động ý nghĩa và độc đáo của mình. Đàm Hoàng Anh, sinh viên năm nhất Học viện Ngân hàng, một đại diện của "My Hà Nội" chia sẻ: "Không chỉ khách nước ngoài, rất nhiều bạn trẻ còn lạ lẫm với TCDG. Những người bạn cùng trang lứa với em sống ở Hà Nội ít bạn biết chơi các trò như đánh chuyền, đánh chắt, ô ăn quan, cà kheo... Hơn nữa, sân chơi của trẻ em Hà Nội rất ít, các em ấy hầu như chỉ làm bạn với các trò chơi trên máy tính, điện thoại. Trong khi đó, nhiều TCDG rất hay, thú vị đang bị mai một. Vì vậy, tạo ra một sân chơi ý nghĩa dành tặng cho các em nhỏ cũng như tất cả mọi người chính là mong muốn của nhóm "My Hà Nội".

Từ những điều thôi thúc đó, "My Hà Nội" đã tạo nên một sân chơi với khoảng 15 TCDG miễn phí. Bắt đầu từ tối thứ sáu cho đến hết ngày chủ nhật hằng tuần, khoảng 240 thành viên, tình nguyện viên của CLB lại thay phiên nhau chuẩn bị các trò, mời du khách có mặt tại tuyến phố đi bộ Hà Nội tham gia. Mỗi thành viên, tình nguyện viên của nhóm trở thành những chuyên gia trong các trò chơi. Họ giúp những người già nhớ lại luật chơi trong ô ăn quan. Họ hướng dẫn người trẻ cách chơi, quây vòng cho các bà, các mẹ và trẻ nhỏ nhảy dây, làm trọng tài trong trò kéo co... Tại khu vực gần tượng đài Cảm tử, những TCDG do "My Hà Nội" tổ chức đã trở thành nơi được đông người lui tới nhất.

Đến giờ này có thể coi những tuyến phố đi bộ là một "đặc sản" của Thủ đô. Những ngày cuối tuần, quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm người người tản bộ dưới lòng đường, không xe cộ, không tiếng còi... ai nấy đều cảm thấy thư thái sau một tuần làm việc căng thẳng. Góp vào không khí bình dị đó, đây là góc của nghệ sĩ vẽ chân dung, kia là nơi các nghệ nhân nặn tò he khoe tài, nơi hát chèo, hát quan họ, một góc lại náo nhiệt với những ca khúc nhạc trẻ sôi động... Trong những tuyến phố đi bộ được hình thành, nhiều con phố cổ là nơi trưng cất và lưu giữ những tinh túy của đất Hà thành. Những giá trị xưa nhất, những kiến trúc, văn hóa, ẩm thực,... đều hội tụ về đây, rực rỡ như một rừng hoa giữa bát ngát những luồng văn hóa mới vừa du nhập. Và những TCDG xuất hiện cũng hóa thân thành bông hoa đẹp, gieo mình vào rừng hoa nhiều màu sắc, đầy ý nghĩa đó.

Tạo ra không gian xưa giữa lòng phố cổ

Điều thú vị là không chỉ các bạn nhỏ, mà khách nước ngoài hay những người lớn tuổi đều hào hứng với hoạt động do "My Hà Nội" tổ chức. Họ tò mò, say sưa và bị lôi cuốn vào hầu hết các trò chơi. Trời thu Hà Nội buổi tối khá mát mẻ nhưng ai cũng mướt mát mồ hôi. Bù lại là những trận cười sảng khoái, vô tư, những giây phút thư giãn vui vẻ.

Ai đến đây, dù lứa tuổi, màu da và cảm xúc khác nhau đều hài lòng với những gì được chứng kiến và trải nghiệm. Những đôi trẻ cùng ngồi bệt xuống lòng đường so tài trong trò ô ăn quan, nhăn trán tính toán, chọn nước đi. Bên cạnh đó là một gia đình nhỏ. Cả bố và mẹ cùng hướng dẫn các con chơi ô ăn quan, sau đó chia làm hai đội để thi tài. Những đứa trẻ từ lạ lẫm, tò mò đến hào hứng khi bắt đầu hiểu luật. “Dường như lâu lắm rồi gia đình tôi mới quây quần và chơi chung với nhau lâu như thế” - anh Phạm Văn Thư (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) chân thành chia sẻ. Một nhóm khách nước ngoài, cả nam và nữ cùng quây lại với nhau nghe các tình nguyện viên giải thích luật chơi ô ăn quan. Họ kiên nhẫn lắng nghe, chăm chú và tỏ ra thích thú. Anh Patrick, một khách du lịch đến từ Mỹ ngạc nhiên: “Thật kỳ lạ, những viên sỏi tưởng như vô dụng này lại biến thành một trò chơi thú vị như vậy. Tôi đã đến Hà Nội nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên biết đến trò này. Quả là rất tuyệt đấy”.

Trong khi rất nhiều người ngồi bệt ngay dưới lòng đường để trải nghiệm trò ô ăn quan thì nhiều nam thanh niên hào hứng với trò đi cà kheo. Họ thường mất kiên nhẫn và ít người đi được trên đôi chân dài “khổng lồ” nhưng ai cũng muốn thử. Tuy nhiên, trò huy động nhiều sức lực và đông người tham gia hơn cả là trò kéo co. Những người tham gia không phân biệt giới tính, không kể trẻ lên ba hay cụ già 70, cứ có dây là kéo. Tất cả đều vui vẻ, hả hê và chẳng ai buồn khi thua cuộc. Bởi lẽ, những người lớn tuổi chạm tay vào dây, đơn giản chỉ muốn tìm về những kỷ niệm ngày xưa. Những người trẻ hào hứng tham gia vì muốn được vui, được hòa mình vào đám đông và hiểu hơn về những TCDG. Tất cả họ đều bồi đắp cho mình những cảm xúc đặc biệt.

“Tôi tưởng như đã quên mất những trò chơi này rồi. Từ ngày chuyển lên Hà Nội sống cùng các con, chẳng bao giờ nhìn thấy trẻ con lê la dưới đất và gieo quân vào từng ô trong trò ô ăn quan hay hùa nhau chơi kéo co, nhảy dây nữa. Cảm ơn các cháu trong ban tổ chức đã tạo dựng lại những trò chơi này. Nó không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu về những trò chơi truyền thống mà những người lớn tuổi như chúng tôi cũng có dịp cùng nhau ôn lại những ký ức ngày còn trẻ”, ông Nguyễn Văn Hùng (67 tuổi, phố Hàng Buồm) chia sẻ.

Không chỉ đem lại niềm vui cho những người xung quanh, bản thân những thành viên của "My Hà Nội" cũng hạnh phúc khi phục dựng và tổ chức thành công các TCDG. Đinh Thu Hà, sinh viên năm 3 Trường Đại học Giao thông vận tải, một tình nguyện viên của CLB chia sẻ: “Em biết được nhiều trò chơi truyền thống và nhận ra mọi người ở mọi thế hệ đều yêu chúng. Hướng dẫn các bé nặn tò he giúp em khéo léo hơn. Đặc biệt là khi tham gia các hoạt động của "My Hà Nội", em thấy được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Đàm Hoàng Anh, đại diện của "My Hà Nội" tỏ ra hứng khởi khi nhận được sự quan tâm của du khách: “Nhiều người mải chơi, CLB quy định 22h sẽ kết thúc hoạt động nhưng mọi người vẫn muốn chơi tiếp. Khi đó, bọn em phải thu dọn muộn hơn và vất vả hơn. Tuy nhiên, được mọi người ủng hộ, hiện thực hóa được mong muốn của CLB, bọn em rất vui và tự hào. Dự định của CLB trong thời gian tới sẽ tìm hiểu và chọn lọc thêm những TCDG khác để giới thiệu đến du khách, chỉ mong những trò chơi truyền thống tiếp tục được nâng niu và giữ gìn theo thời gian”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm về tuổi thơ cùng “Hà Nội của tôi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.