Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm về Hà Nội xưa với “Qua phố nhớ gì?”

Đào Vân| 16/08/2010 11:47

(HNMO)- Chiều 15/8, Triển lãm độc đáo về 36 phố phường Hà Nội với tên gọi “Qua phố nhớ gì?” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Viet Art Center (Hà Nội). Đây là cơ hội để họa sĩ Trần Hậu Yên Thế (giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) cùng các cộng sự tôn vinh đẹp văn hóa đặc sắc của Hà Nội


(HNMO)- Chiều 15/8, Triển lãm độc đáo về 36 phố phường Hà Nội với tên gọi “Qua phố nhớ gì?” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Viet Art Center (Hà Nội). Đây là cơ hội để họa sĩ Trần Hậu Yên Thế (giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) cùng các cộng sự tôn vinh đẹp văn hóa đặc sắc của Hà Nội, đồng thời góp phần mang nghệ thuật đương đại tiến lại gần hơn với công chúng.

“Qua phố nhớ gì?” có cấu trúc của một không gian bảo tàng sống, mà ở đó nghệ thuật có nhiệm vụ nuôi dưỡng và phục hồi những khu vực kí ức bị vùi lấp trong quên lãng, tìm lại những báu vật di sản và chất vấn giá trị đích thực của nó. Nhắc tới Hà Nội là nhắc tới 36 phố cổ với những nét văn hóa độc đáo ngay từ chính tên gọi bắt đầu bằng chữ “Hàng”. 


Các phố có tên hàng vốn có từ trước, khi người Pháp quy hoạch lại thành phố Hà Nội, các tên gọi này đã được chính thức hóa. Ngoài những cái tên Tây như rue de France (phố Pháp quốc), rue de la République (phố Cộng hòa), người Pháp hầu như để nguyên những tên hàng phố xưa: rue des Voiles (phố những cánh buồm – Hàng Buồm), rue des Radaux (phố những chiếc bè – Hàng Bè), rue des Balances (phố những cái cân – Hàng Cân), rue des Vases (phố những chiếc bình – Hàng Chĩnh)…, rue des Casses (phố va-li – Hàng Hòm). Phố gì hàng nấy, có thể nói, chính người Pháp đã cấp “visa” cho các phố có tên “hàng” đi khắp năm châu.


Ông Đỗ Đình Thắng, 74 tuổi, một người Hà Nội gốc bùi ngùi: “Phố cổ bây giờ khác trước nhiều lắm, ở đây không phải là khác về nhà cửa, vẫn là những kiểu nhà từ thời Pháp nhưng những giá trị xưa thì đang mất đi. Ngày xưa phố cổ hiền hòa, có gì đấy thanh bình chứ không như bây giờ, ồn ào tấp nập buôn bán, các phố hàng cũng chẳng còn mấy nơi bán đồ giống như trước kia. Âu đấy cũng là do đời sống kinh tế đi lên. Nhìn phố Hàng Đào, Hàng Bông giờ đây sẽ thấy. Mừng vì đời sống đi lên nhưng cũng thấy tiếc vì những cái mất đi”.


Xuất phát từ lòng tiếc nuối trước sự tan vỡ của những giá trị vật thể và phi vật thế cở 36 phố phường, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế ấp ủ một niềm hy vọng viển vông tái tạo dựng thương hiệu cho 36 phố nghề, khôi phục những ngành nghề thủ công của Hà Nôi qua việc tổ chức triển lãm lần này. Sở dĩ anh đặt tên triển lãm là “Qua phố nhớ gì?” là bởi trên thực tế những phố nghề giờ đây không còn như “bản gốc” của nó, phố Hàng Tranh, Hàng Kèn …đã không còn tồn tại, phố Hàng Bồ giờ thành phố bán phụ kiện may mặc...các biển phố dường như không còn phù hợp và xứng với chính tầm giá trị của nó. Với những thiết kế biển phố mời, anh hy vọng đó sẽ không đơn thuần là những tấm biển mang tên phố thông thường mà còn là những chỉ dẫn di sản để bất kì ai có thể “Qua đường nhớ phố, qua phố nhớ nghề”.


Bên cạnh những biển phố, tư liệu về Hà Nội xưa, triển lãm còn hấp dẫn người xem bởi nghệ thuật sắp xếp những tác phẩm đương đại của Nguyễn Huy An, Lê Trần Hậu Anh, Nguyễn Quốc Thành, Trần Hậu Yên Thế như: Những con đường, Rằm trung thu, Vô đề, Dâng ước nguyện …tạo nên một không gian sinh động, độc đáo.

Triển lãm sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 19/8 Viet Art Center 42 Yết Kiêu, HN .

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm về Hà Nội xưa với “Qua phố nhớ gì?”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.