(HNM) - Những “chuồng cọp” - khung, lồng sắt... do người dân tự cơi nới thêm trong các khu tập thể cũ không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra hỏa hoạn. Trước thực trạng trên, mới đây, một số quận đã thí điểm vận động người dân mở lối thoát tại các “chuồng cọp” để hạn chế những rủi ro. Tuy đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng cũng cần nhân rộng để tìm lối thoát hiểm trước mắt cho cư dân đang sống chung với “chuồng cọp” trong khu tập thể cũ trước khi thực hiện các giải pháp lâu dài khác.
Tiềm ẩn nguy cơ từ “chuồng cọp”
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các căn hộ đều cơi nới thêm bằng những khung, lồng sắt kiên cố, không có cửa thoát hiểm (gọi là “chuồng cọp”) để tăng diện tích sử dụng, phòng ngừa trộm cắp, khiến ngôi nhà trở thành một lồng kín chỉ có duy nhất một lối ra vào.
Cụ thể, tại nhà C2, C3, C4, C5 khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đều có những “chuồng cọp” với nhiều dạng ngang, dọc khác nhau. Phía trước là cây xanh và chằng chịt dây điện. Ông Nguyễn Văn Nam, sống ở nhà C2 khu tập thể Nghĩa Tân cho biết, hầu như các “chuồng cọp” ở đây đều không có lối thoát hiểm. Hơn nữa, các hộ kê đồ kín mít, nếu có làm cửa sổ thoát hiểm thì lúc xảy ra sự cố cũng khó xoay xở kịp.
Tương tự, tại nhà D1, khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình), những “chuồng cọp” cũng rất kiên cố, không có lối thoát hiểm. Đáng nói, tại nhà E4, khu tập thể Đại học Y (quận Đống Đa), những bó ống nước san sát nhau kéo từ tầng 1 lên tầng 5, bao trọn những “chuồng cọp” cũ kỹ. Nguồn cung cấp điện cho máy bơm được đấu nối qua đường điện sinh hoạt, lại không có cầu chì, cầu giao và ống bảo vệ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Trước thực trạng này, một số địa phương đã đưa ra giải pháp. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho biết, hiện nay, chính quyền một số phường trên địa bàn quận đã vận động các hộ dân làm cửa thoát hiểm ở “chuồng cọp” và bước đầu được người dân đồng thuận, ủng hộ. Như ở phường Thành Công (quận Ba Đình) nhiều hộ dân đã làm cửa thoát hiểm ở “chuồng cọp" bên cạnh việc trang bị thang dây và mặt nạ khí độc... Đến nay, các hộ dân sinh sống tại 80 nhà tập thể cũ trên địa bàn phường đã hoàn thành việc mở lối thoát hiểm tại “chuồng cọp”, kích thước tối thiểu là 0,6x0,8m.
Tương tự là mô hình mới triển khai thành công tại các phường: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) trong tháng 4 vừa qua, với 70% hộ gia đình tiến hành mở lồng sắt làm cửa thoát hiểm cũng như trang bị 100% bình chữa cháy tại nhà, lắp đặt hệ thống viễn thông cảnh báo cháy tại các chân cầu thang.
Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, từ mối lo không có lối thoát hiểm tại “chuồng cọp”, Công an quận tập trung thí điểm ở các phường: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam trong đó có rà soát, lập danh sách cụ thể, tiến hành kiểm tra thực địa từng căn hộ. Từ đó, tư vấn cho người dân các vị trí mở cửa thoát hiểm phù hợp ở “chuồng cọp”.
Cần nhân rộng những điểm sáng
Có thể thấy, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện giải pháp thoát hiểm ở các “chuồng cọp” trong các nhà tập thể khi xảy ra cháy. Việc này cần được nhân rộng bên cạnh tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng thoát hiểm cho người dân.
Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân thông tin, hiện nay lực lượng công an quận và các phường trên địa bàn đang tiến hành nhân rộng mô hình làm cửa thoát hiểm ở “chuồng cọp” tại phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam ra 9 phường còn lại, phấn đấu 100% hộ dân sống ở khu tập thể cũ thực hiện mở cửa thoát hiểm từ “chuồng cọp” trong thời gian tới.
Còn theo Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm, UBND phường sẽ tiếp tục mời lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp về hướng dẫn kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm cho các hộ dân, trong đó có các hộ sinh sống ở nhà tập thể có “chuồng cọp”, khi xảy ra hỏa hoạn.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho hay, UBND quận sẽ yêu cầu các phường khác tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân mở cửa “chuồng cọp”, tạo lối thoát hiểm an toàn. Đồng thời, vận động các hộ dân không kéo các đường dây điện, cáp, đường truyền internet từ nhà này sang nhà kia, tránh sự cố chập cháy điện đáng tiếc.
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, ngoài thiết kế ô cửa có khóa ở “chuồng cọp”, các gia đình phải để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố người dân không mở được do khóa bị gỉ sét.
Rõ ràng, trước mắt khi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn “chuồng cọp” ở các nhà tập thể cũ thì cần tìm giải pháp trong việc phòng, chống cháy nổ để sống chung với “chuồng cọp” một cách an toàn nhất, người dân giảm bớt rủi ro khi hỏa hoạn xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.