(HNM) - Đầu tháng 8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ra quyết định tăng cước kết nối chiều gọi từ di động đến cố định bằng với mức tính giá chiều ngược lại (415 đồng/ phút).
Chỉ VNPT gặp khó
Ngành viễn thông đang tồn tại một số nghịch lý, trong khi các dự báo cho rằng thị trường di động đang bão hòa và rất khó khăn để phát triển thì các DN vẫn liên tiếp xin cung cấp dịch vụ di động. Chẳng hạn, như Đông Dương, VTC xin được thiết lập mạng di động không tần số (còn gọi là mạng ảo dựa trên sự hợp tác về hạ tầng với một trong 7 mạng di động hiện nay), hoặc như FPT tuy đã rút khỏi thương vụ mua bán với EVN Telecom nhưng vẫn đang tính việc gia nhập thị trường qua "cửa" 4G. Ngược lại, hầu như các DN gia nhập làng viễn thông đều xin được cung cấp dịch vụ cố định, nhưng thực tế rất ít DN triển khai dịch vụ này đến nỗi giới chuyên gia trong ngành nhận xét, việc có thêm dòng chữ được cung cấp dịch vụ cố định trong giấy phép chỉ như món đồ trang sức!?
Ngoài VNPT - chiếm thị phần lớn một cách tự nhiên, EVN Telecom và Viettel chỉ phát triển cố định không dây, còn lại một loạt tên tuổi, như SPT (hầu như chỉ cung cấp dịch vụ ở khu vực TP Hồ Chí Minh), VTC, Hanoi Telecom, FPT, Gtel… hoặc chưa cung cấp, hoặc chỉ triển khai có tính chất nội bộ. Những dẫn chứng kể trên cho thấy, dịch vụ cố định không phải là mặt hàng kinh doanh béo bở, nếu không DN đã triển khai "ào ào".
Vì sao lại có tình trạng này? Thứ nhất, để xây dựng và vận hành mạng cố định hữu tuyến (có dây) phải cần vốn đầu tư lớn, suất đầu tư cao. Chưa kể đến việc phải kéo dây, kéo cáp tốn nhân công, rồi chi phí duy tu bảo dưỡng… Thêm nữa, dịch vụ di động phát triển mạnh, giá cước ngày càng giảm là lý do khiến điện thoại cố định bị giảm doanh thu và thuê bao. Số liệu mới nhất từ Tập đoàn VNPT cho thấy, mỗi năm VNPT mất khoảng 1 triệu thuê bao cố định, trước đây việc khách hàng rời bỏ mạng không chỉ ở khu vực thành thị, nay người dân vùng nông thôn bỏ cố định chuyển sang dùng di động cũng không ít. Bên cạnh đó, giá cước (gồm cước thuê bao và cước gọi) vẫn giữ nguyên trong thời gian dài càng làm cho việc kinh doanh không sáng sủa. Cụ thể, doanh thu trên mỗi thuê bao điện thoại cố định của VNPT chỉ còn 40.000 đồng/tháng, trong đó mỗi thuê bao chỉ gọi khoảng 20.000 đồng/tháng, còn lại 20.000 đồng là tiền cước thuê bao. Bình quân mỗi phút gọi cố định có giá thành là 650 đồng, trong khi giá cước thu được chỉ khoảng 400 đồng/phút, tính ra mỗi phút gọi VNPT phải bù lỗ 250 đồng. Một khó khăn nữa là từ năm 2009 ngành điện tăng giá thuê cột và như vậy khu vực nào ít thuê bao, DN cầm chắc lỗ… Những yếu tố này càng khiến dịch vụ cố định của VNPT rơi vào trạng thái phải bù lỗ.
Được "cứu" sẽ phát triển?
Vấn đề đặt ra, VNPT đã triển khai biện pháp gì để giảm lỗ cho cố định. Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, đã 3 năm nay VNPT liên tiếp đề nghị Bộ TT-TT điều chỉnh cước kết nối để gỡ khó cho DN. Vị lãnh đạo này cũng lý giải, việc đưa ra hai mức cước kết nối khác nhau (ở chiều gọi từ cố định đến di động DN cố định phải trả cho DN di động 415 đồng, ngược lại chiều gọi từ di động về cố định, nhà mạng di động chỉ phải trả cho DN cố định 270 đồng) nhằm tạo điều kiện cho các DN cung cấp dịch vụ di động, nhất là DN mới tham gia thị trường có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi DN di động đã đủ mạnh, thì cơ quan quản lý nên có mức điều chỉnh để tạo điều kiện cho DN cung cấp dịch vụ cố định phát triển, vì suy cho cùng mạng cố định hữu tuyến là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia… Nhưng đến tháng 8-2011, Bộ mới công bố điều chỉnh và đến tháng 10-2011 quy định này mới có hiệu lực. Phải chăng, việc điều chỉnh này là quá muộn! Tuy nhiên, muộn còn hơn không, vì khi quy định này được áp dụng, các DN của VNPT sẽ giảm lỗ và đó cũng là tín hiệu vui khi thị trường đang ngày càng khó khăn.
Thực tế, dựa trên công nghệ mới, trong mấy năm gần đây VNPT đã triển khai các dịch vụ trên cùng tuyến cáp (cố định, internet ADSL và nay là IPTV-tên thương mại là dịch vụ MyTV). Trong đó, với dịch vụ ADSL, VNPT cũng đang dẫn đầu thị phần với hơn 70%. Với dịch vụ MyTV, tuy mới triển khai từ năm 2009, nhưng lượng thuê bao đăng ký ngày càng tăng. Như vậy, việc quyết định điều chỉnh cước kết nối lần này, hy vọng bài toán phát triển dịch vụ điện thoại cố định đã có lời giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.