(HNM) - Trái với bầu không khí quốc tế nóng bỏng đan xen giữa những cuộc thương thảo đến phút cuối cùng và các tuyên bố trừng phạt cứng rắn của phương Tây, người dân Crimea đã đánh dấu ngày vẽ lại bản đồ Châu Âu trong không gian lễ hội.
Tiếng hò reo dưới ánh sáng rực rỡ của pháo hoa mừng ngày bán đảo từng thuộc sở hữu của nước Nga trở về với đất mẹ đã báo trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Với 96,7% người dân ủng hộ kế hoạch trở thành một vùng lãnh thổ của Nga, Mátxcơva đã có được miền đất có ý nghĩa chiến lược đối với nước này chỉ trong vòng hai tuần lễ mà không cần phải viện tới bất kỳ một sức mạnh quân sự nào.
Người dân Crimea háo hức trở về với nước Nga. |
Giống như ngày 19-2-1954 khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tặng bán đảo Crimea cho quê hương Ukraine của ông, ngày 16-3-2014 đã đi vào lịch sử Nga như một thời khắc khó quên. Nhìn khuôn mặt đầy cảm xúc của Tổng thống V.Putin lúc chứng kiến lịch sử hào hùng của nước Nga vĩ đại được tái hiện sinh động bằng hiệu ứng công nghệ trong đêm khai mạc Olympic Sochi, thế giới nhận ra rằng đây là Thế vận hội của nước Nga. Và giờ đây, sự kiên quyết, hành động nhanh chóng và ý chí cứng rắn không thay đổi của nhà lãnh đạo Nga đã gửi đi thông điệp Mátxcơva đang ở "cơ trên" trong cuộc giành giật bán đảo có diện tích chỉ 26.200km2 này. Ngoài những yếu tố lịch sử đầy duyên nợ và sự gắn kết về dân tộc học, vị trí địa chính trị của Crimea khiến nó trở thành một vùng đất không thể bị đánh mất với Nga. Trong hơn 20 năm qua do sự biến động của các mối quan hệ quốc tế, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết cũng đã mở đầu cho chiến dịch hướng Đông bài bản của phương Tây tới một loạt các quốc gia Đông Âu và Baltic từng nằm trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô cũ để tới sát biên giới nước Nga mới. Trong bối cảnh phương Tây thành công trong việc "thu phục" quốc gia láng giềng Ukraine mà Mátxcơva đã giành nhiều ưu ái để tạo một "vành đai đệm" nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của Châu Âu, Crimea được xem như "cánh cổng sắt" cuối cùng để bảo vệ an ninh của nước Nga. Thế nhưng, khi Kiev tuột khỏi tay Nga ngay vào lúc thỏa ước ngày 21-2 về giải quyết khủng hoảng Ukraine theo hướng duy trì chính phủ của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich mới vừa được đặt bút ký thì Crimea không chỉ là chuyện Mátxcơva cần một căn cứ ở Sevastopol hay kiểm soát một cửa ngõ ra Biển Đen chiến lược mà còn là vấn đề danh dự của Điện Kremlin. Phản ứng và thành quả mau lẹ mà Tổng thống V.Putin giành được ở Crimea chẳng qua là câu trả lời rõ ràng của nhà lãnh đạo Nga với hành động được xem là sự "lấn lướt" quyền lực của Mátxcơva qua cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Nga cũng đã chứng minh bằng hành động thực tế những gì nước Nga có thể làm khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. Vì vậy, sự kiện Crimea đang được nói tới như một cột mốc đáng nhớ cho sự trở lại mạnh mẽ của Nga trên vũ đài chính trị quốc tế. Thông qua cách giải quyết khủng hoảng tại Ukraine mà phương Tây có phần "ghi điểm" trước, Tổng thống V.Putin đã khẳng định con đường tìm lại hình ảnh nước Nga hùng mạnh trên bản đồ thế giới. Tiếp sau những thành công ở Syria, Iran, mặt trận ngoại giao tại Ukraine đã kết thúc thời kỳ ẩn mình của Mátxcơva trên các diễn đàn quốc tế để hướng đến hào quang của một cường quốc ngày nào. Ở đó, Nga sẽ là một chủ thể mà phương Tây phải nhìn nhận như một đối tác ngang bằng, có sức mạnh trong giải quyết các vấn đề song phương và toàn cầu.
Khi tình thế tại Ukraine chuyển biến theo hướng có lợi cho phương Tây, đã có những nhận định rằng Mátxcơva đang hứng chịu một mất mát ghê gớm. Tuy nhiên, với việc giành được Crimea, con lắc lợi ích đã được chia phần cho Nga. Những tuyên bố trừng phạt của Mỹ và Châu Âu được xem như động thái tất yếu, nhưng phần nào cũng phản ánh thực trạng là phương Tây không thể và không có công cụ gì để buộc Tổng thống V.Putin dừng bước. Vì vậy, với những gì đang diễn ra tại Crimea, Nga đã cho thấy rằng trật tự thế giới cũ đang bị thách thức và chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi cùng với sự nổi lên của những cực mới trên bàn cờ quốc tế.
Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt Nga Ngày 17-3, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản đối với các quan chức Nga và Ukraine liên quan tới vấn đề bán đảo Crimea thuộc Ukraine. Theo Nhà Trắng, trong số 11 quan chức bị Tổng thống Obama ra lệnh trừng phạt có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Thủ tướng Cộng hòa Crimea Aksyonov, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich, 2 cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thành viên của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga. Cùng ngày, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua quyết định trừng phạt 21 quan chức của Nga và Ukraine, trong đó có các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Ngoài ra, các quan chức EU dự kiến mở rộng danh sách trừng phạt, trong đó sẽ gồm cả các quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels sắp tới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.