Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm kiếm vị thế mới

Thùy Dương| 14/07/2014 06:16

(HNM) - Thống nhất các điều khoản cuối cùng để thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ chung là trọng điểm ưu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 6 diễn ra từ ngày 15 và 16-7 tới tại Foryelaza, Brasil.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của nhóm BRICS trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 tại Nam Phi.



Năm 2013, nhóm BRICS đã tiết lộ dự án thành lập một ngân hàng phát triển và một quỹ tiền tệ đủ mạnh để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Do đó, sự ra đời của ngân hàng chung được coi là thành tựu lớn đầu tiên của nhóm BRICS. Ngân hàng phát triển của nhóm các nền kinh tế mới nổi này được xem là biểu tượng ảnh hưởng ngày càng lớn của BRICS cũng là điều mà nước Nga trông đợi sau khi phương Tây tung một loạt đòn trừng phạt Mátxcơva (vì những vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine). Dự kiến, ngân hàng phát triển BRICS trong giai đoạn đầu sẽ có số vốn 10 tỷ USD, sau đó sẽ tăng lên đến 100 tỷ USD. Ngân hàng này sẽ đặt trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc New Delhi (Ấn Độ). Góp vốn cho ngân hàng là một vấn đề nan giải, nhưng Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov cho biết, các bên sẽ góp vốn đều như nhau. Trong đó, ban đầu, mỗi nước sẽ góp 10 tỷ USD tiền mặt trong vòng 7 năm và cung cấp bảo lãnh giá trị 40 tỷ USD. Dần dần, tổng số vốn của ngân hàng sẽ đạt 100 tỷ USD, ngân hàng sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016 và để ngỏ cho các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) tham gia, nhưng tỷ lệ vốn của BRICS không bao giờ giảm dưới 55%. Hướng tới một ngân hàng chung được xem là một giải pháp để BRICS giành ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế, trong bối cảnh khủng hoảng khiến nền kinh tế của Lục địa già có chiều hướng đi xuống, trong khi Bắc Mỹ hồi phục chậm chạp.

Cùng với một ngân hàng chung, một quỹ dự trữ nhằm bảo vệ các nền kinh tế BRICS trước biến động của thị trường sẽ được thiết lập với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc sẽ góp phần lớn nhất là 41 tỷ USD; Brasil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, Nam Phi góp 5 tỷ USD. Quỹ BRICS đã được đề xuất tại cuộc họp của nhóm tại Durban, Nam Phi năm ngoái và việc thúc đẩy nó trở thành hiện thực đã trở nên cấp bách hơn. Mục đích thành lập quỹ theo các nhà lãnh đạo BRICS không nhằm đối phó với các tình huống hiện nay, mà để giúp các nước cân đối được cán cân thanh toán mà không cần phá giá đồng nội tệ. Bên cạnh đó, quỹ sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư bằng cách cung cấp cho các nước BRICS một công cụ khác để bảo vệ các đồng nội tệ của nhóm. Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và đưa trở lại Mỹ khiến đồng tiền của các nước đang phát triển bị mất giá nên quỹ này được kỳ vọng sẽ tăng sức mạnh của các nền kinh tế thành viên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, để có một quỹ như vậy đi vào hoạt động sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Một quan chức thuộc BRICS nhận định rằng, cho dù chi tiết về mặt kỹ thuật có thể được nhanh chóng thống nhất giữa các thành viên trong thời gian tới, nhưng quỹ BRICS chỉ có thể hoạt động sau khi quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Thủ tục này có thể sẽ cần nhiều thời gian. Thậm chí, các nhà phân tích còn cho rằng, các ngân hàng trung ương sẽ không sẵn sàng bỏ tiền góp quỹ vì lo ngại rủi ro vào thời điểm giới đầu tư đang rút vốn khỏi các quốc gia đang phát triển mà BRICS được cho là đại diện. Ngoài ra, số vốn đóng góp 100 tỷ USD chỉ chiếm 2,2% trong tổng số 4,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của khối BRICS được cho là chưa đủ lớn để biến các mục tiêu của quỹ thành hiện thực. Dẫu vậy, ít nhất đồng nội tệ của hai thành viên BRICS là Trung Quốc và Nga đã trở nên có trọng lượng trong giao dịch thương mại toàn cầu. Sức nặng của hai đồng tiền này được nâng lên, dự báo sẽ giúp quỹ BRICS có ảnh hưởng nhất định nếu đi vào hoạt động.

BRICS tuy là diễn đàn mới nhưng đang ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Là nhóm đại diện cho thị trường đang tăng trưởng lớn nhất với 44% dân số thế giới, tất cả đều là thành viên LHQ, trong đó có 2 thành viên Thường trực HĐBA LHQ. Năm 2000, 5 nền kinh tế này chỉ chiếm hơn 8% tổng GDP toàn cầu nhưng theo dự báo của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh, tới năm 2016, tỷ trọng đóng góp của 5 nền kinh tế lớn này với thế giới sẽ gần chạm mức 28%.

Như vậy, sự ra đời của ngân hàng phát triển và quỹ dự trữ chung của BRICS thời gian tới sẽ là bước tiến mang tính đột phá trên thị trường tài chính toàn cầu. Dù hiệu quả thực sự của định hướng chiến lược này vẫn còn đang ở phía trước nhưng với sự hợp tác sâu rộng như đang diễn ra sẽ khiến BRICS nói chung và các thành viên nói riêng khẳng định vị thế, vai trò thực tế trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu, hướng tới một thế giới cân bằng và dân chủ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm vị thế mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.