Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm kiếm sự cân bằng

Trung Hiếu| 24/05/2013 07:40

(HNM) - Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai vừa kết thúc chuyến công du hai ngày tới Ấn Độ. Chi tiết cuộc hội đàm giữa ông với người đồng nhiệm nước chủ nhà Pranab Mukherjee, cuộc gặp với Thủ tướng Manmohan Singh không được tiết lộ.


Hai bên cũng không tổ chức họp báo và ra tuyên bố chính thức sau hội đàm như thường lệ. Tuy nhiên, có nhiều nguồn tin khẳng định một hợp đồng mua bán vũ khí đã được hai bên bàn thảo kỹ. Chuyến đi góp phần thắt chặt quan hệ giữa Kabul và New Delhi, đồng thời cũng mở ra những hướng đi mới trong bối cảnh Afghanistan sẽ phải tự đảm trách về an ninh kể từ sau năm 2014, thời điểm các binh sĩ nước ngoài rút đi.



Thực tế, kết quả này không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Những năm gần đây, quan hệ giữa Ấn Độ và Afghanistan đã có sự cải thiện nhanh chóng. Thủ tướng Manmohan Singh đã bày tỏ quan điểm rằng, Tổng thống Karzai không chỉ là người bạn gần gũi của Ấn Độ mà còn là người ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển hơn nữa quan hệ Ấn Độ - Afghanistan. New Delhi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của ông Karzai trong hơn một thập niên qua, trong đó Afghanistan đã đạt được tiến bộ mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn. Đồng thời, những năm qua, quan hệ hai bên đã chứng kiến nhiều đổi thay không ngừng. New Delhi đã giúp Kabul huấn luyện nhiều sĩ quan quân đội, nhưng không hỗ trợ về thiết bị quân sự. Năm 2011, hai bên đã quyết định nâng quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế và an ninh. Và chuyến thăm mới nhất của nhà lãnh đạo Afghanistan cũng không nằm ngoài mục tiêu đề nghị Ấn Độ tăng cường hỗ trợ quân sự cho quốc gia Tây Nam Á.

Hiện tại, mối quan ngại lớn nhất của cộng đồng quốc tế là nội lực của Kabul trong việc đảm đương trọng trách an ninh khi quân đội nước ngoài rút đi.

Sự lo lắng vừa tăng thêm khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Afghanistan, tướng Zahir Azimi đưa ra thông tin phong trào Hồi giáo Taliban đang lên kế hoạch chuẩn bị lật đổ chính quyền ở Afghanistan vào năm 2014 sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân. Theo đó, hàng nghìn chiến binh Taliban đã được đào tạo tại các trường tôn giáo ở Pakistan và hiện có mặt trên lãnh thổ Afghanistan. Lực lượng phiến quân này tuyên bố tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và quan chức chính phủ hòng làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Karzai. Điều này có thể thấy rõ qua tần suất các vụ đánh bom liều chết do Taliban tiến hành xảy ra ngày một nhiều trong thời gian gần đây. Gần đây nhất, 14 người, trong đó có một chính trị gia cấp cao đã thiệt mạng và 9 người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết ngay trước trụ sở của chính quyền địa phương ở thành phố Pul-e-Khumri, tỉnh Baghlan, miền Bắc nước này.

Rõ ràng, thách thức đối với chính quyền của ông Karzai về tương lai của Afghanistan là rất lớn và chắc chắn Kabul không dễ tự mình giải quyết. Vì vậy, chuyến công cán của Tổng thống Karzai đã mang lại niềm tin về sự hỗ trợ cần thiết của Ấn Độ đối với quốc gia Tây Nam Á. Ngoài ra, động thái này còn mang ý nghĩa đặc biệt khác.

Đó là tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ, đặc biệt là với các nước lớn của Afghanistan. Trong bối cảnh quan hệ giữa Afghanistan và Mỹ đang gặp nhiều trở ngại liên quan đến Hiệp định An ninh song phương lâu dài giữa Afghanistan và Mỹ (BSA), chính thức khởi động tại Kabul (ngày 15-12-2012), trong đó bao gồm cả quy mô hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này sau năm 2014. Nếu được ký kết, Mỹ sẽ được phép duy trì số quân có giới hạn ở lại Afghanistan sau khi lực lượng gìn giữ an ninh quốc tế do NATO đứng đầu rút khỏi nước này. Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận và vấp phải không ít sự phản đối tại Afghanistan và một số nước láng giềng. Do vậy, để người Afghanistan được sống trong một đất nước ổn định, Kabul không thể không nghĩ đến những lựa chọn chiến lược mang tính lâu dài khác. Ấn Độ, một cường quốc hạt nhân của thế giới và một nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ là một đáp số hoàn hảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm sự cân bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.