(HNM) - Quan hệ Mátxcơva - Tokyo đang có dấu hiệu
Ngày 30-9, Tổng Thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đã có kết quả khả quan với một số thỏa thuận đạt được. Hai bên đang hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào cuối năm nay tại Nhật Bản. Động thái tích cực này diễn ra một tuần sau khi ngoại trưởng hai nước nhất trí tái khởi động các cuộc hội đàm cấp thứ trưởng ngoại giao về việc ký kết hiệp ước hòa bình vào ngày 8-10 tới tại Mátxcơva (Nga).
Thủ tướng Nhật Bản S.Abe (trái) và Tổng thống Nga V.Putin vừa có cuộc hội đàm khả quan bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. |
Nhiều nhà phân tích cho rằng, các thỏa thuận giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản dù chưa được công bố chi tiết là "điềm lành" trước chuyến thăm của Tổng thống V.Putin tới Tokyo đang được 2 bên sắp xếp và có thể là cơ hội hàn gắn những mâu thuẫn khiến 2 nước chưa thể ký kết Hiệp ước Hòa bình sau chiến tranh Thế giới lần thứ II. Trên thực tế, năm 2013, Thủ tướng S.Abe và Tổng thống V.Putin đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai nước liên quan đến hiệp ước này. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị đình trệ từ tháng 1-2014 do cuộc khủng hoảng Ukraine dẫn tới việc Nga sáp nhập quần đảo Crimea. Chuyến thăm của Tổng thống V.Putin dự định vào năm 2014 cũng bị hủy bỏ do Tokyo muốn khẳng định quan hệ với các đồng minh Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) - đang gây sức ép đối với Nga bằng các biện pháp trừng phạt do cáo buộc Điện Kremlin có liên quan đến tình hình bất ổn tại Ukraine - đồng thời, phản đối Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Đến thời điểm này, nhiều người vẫn hoài nghi về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống V.Putin, do gần đây các đoàn cấp cao của Nga vẫn thường tới vùng lãnh thổ đang tranh chấp bất chấp phản ứng của Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có những lập luận cho rằng, hai bên cần xây dựng lại quan hệ hữu nghị. Thứ nhất, trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động gây hấn, đe dọa chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản. Với chính sách xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương, chắc chắn Nga sẽ không khoanh tay đứng nhìn bất ổn diễn ra tại khu vực này. Thứ hai, trong nhiều năm qua, Nhật Bản và Nga là những nền kinh tế bổ sung cho nhau. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên đến mức cao kỷ lục, gần 35 tỷ USD trong năm 2013. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gần đây ở Vladivostok (Nga), Nhật Bản và Nga đã ký một loạt thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá và hải sản trong các vùng lãnh hải; Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Bộ Tài nguyên - Năng lượng của Nhật Bản cũng đã ký Bản ghi nhớ (MoU); hai bên đã ký một hợp đồng xây dựng tổ hợp chế biến gỗ lớn ở khu vực Krasnoyarsk... Hiện, Tokyo đang tìm cách tiếp cận nhiều hơn nguồn năng lượng của Nga. Bản ghi nhớ MoU giữa Tập đoàn Gazprom và Bộ Tài nguyên - Năng lượng của Nhật Bản sẽ mang lại cho đất nước Mặt trời mọc cơ hội tham gia xây dựng một nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên tại Vladivostok; từ đó, giúp Nhật Bản được mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, ngoài lượng khí đốt từ quần đảo Sakhalin. Bản ghi nhớ MoU vừa ký kết cũng hứa hẹn làm tăng khả năng cạnh tranh của Nga trên thị trường khí đốt toàn cầu. Mátxcơva không muốn bị lệ thuộc các nguồn đầu tư độc quyền của Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông.
Mặc dù "cuộc chiến" trừng phạt giữa Nga và các nước phương Tây vẫn chưa chấm dứt, thế nhưng với những lợi ích đan xen, cả 2 phía đều đang hứng chịu thiệt hại nặng nề. Thời gian gần đây, có nhiều động thái cho thấy, các bên đang nỗ lực tìm kiếm một tiếng nói chung để đưa ra giải pháp "giảm nhiệt" căng thẳng. Và, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Nhật Bản trên đất Mỹ dẫu chưa mang lại gì nhiều nhưng cũng đủ phát đi tín hiệu từ cả Mátxcơva lẫn Tokyo về điều đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.