Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm kiếm, đào tạo tài năng nghệ thuật: Vượt thách thức để gỡ vướng

Thụy Du| 23/08/2020 06:16

(HNM) - Hoạt động nghệ thuật luôn cần những nhân tố mới để mang lại sự tươi trẻ, hấp dẫn cho sân khấu, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc phát hiện, tìm kiếm và đào tạo tài năng nghệ thuật luôn đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo, áp dụng những cách thức mới, để tháo gỡ vướng mắc, tạo nên các thế hệ kế cận cho nghệ thuật nước nhà.

Các đơn vị nghệ thuật cần chủ động, sáng tạo, áp dụng những cách thức mới để tìm kiếm và phát triển tài năng nghệ thuật. Trong ảnh: Một chương trình hòa nhạc do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thực hiện.

“Điểm nghẽn” đào tạo nguồn nghệ sĩ

Nghệ thuật là lĩnh vực mang tính đặc thù cao, đòi hỏi người làm nghề phải có năng khiếu, đầu tư công sức, trí tuệ nhiều năm mới có thể hoạt động vững vàng. Theo Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, tài năng nghệ thuật rất khan hiếm, không dễ tìm được người đáp ứng sự khắt khe của đời sống nghệ thuật. Hơn nữa, sân khấu biểu diễn hiện gặp nhiều khó khăn, chịu sự cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại, nên việc thu hút người trẻ, nhất là các tài năng, dấn thân vào nghệ thuật ngày càng khó khăn.

Trong khi đó, nguồn nghệ sĩ chính cho các đơn vị nghệ thuật vẫn từ các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, như: Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam… Song, việc tìm kiếm, đào tạo tài năng nghệ thuật tại các cơ sở này đang vướng một “điểm nghẽn”.

Cuối tháng 7-2020, vừa bước vào mùa tuyển sinh, Học viện Múa Việt Nam và một số cơ sở đào tạo nghệ thuật khác nhận được văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) yêu cầu dừng tuyển sinh hệ trung cấp. Văn bản này dựa trên quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học chỉ được đào tạo hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; còn việc đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm nhiệm.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, hơn 60 năm qua, trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, với mũi nhọn là trung cấp diễn viên múa hệ 5 năm, hệ 6 năm, tuyển sinh người học từ khi 12-13 tuổi mới đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Nếu chỉ được đào tạo bậc đại học với chuyên ngành biên đạo múa, huấn luyện múa, thì sẽ thiếu hụt diễn viên cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật.

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đứng trước mối lo tương tự, bởi đơn vị chủ yếu đào tạo năng khiếu bắt đầu từ bậc trung cấp. Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam cũng gặp khó, khi chỉ được đào tạo trình độ trung cấp. Khổ luyện từ 3 đến 5 năm, nhận bằng trung cấp với mức lương ít ỏi, tuổi nghề lại ngắn, nên các bạn trẻ ít dấn thân vào lĩnh vực này.

Các diễn viên nghệ thuật đặc thù như xiếc, múa... cần được đào tạo từ độ tuổi 12 đến 13.

Nỗ lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Dù gặp khó khăn nhưng nhiều đơn vị và cơ sở đào tạo nghệ thuật đã chủ động tìm kiếm tài năng, đào tạo đội ngũ kế cận. Hơn một tháng qua, chị Nguyễn Thị Hoàng Lan cùng 9 bạn trẻ khác tham gia lớp diễn viên kèm cặp do Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức phải rèn luyện vất vả, ngâm mình trong nước nhiều giờ, tỉ mỉ học từng động tác điều khiển con rối từ các nghệ sĩ đi trước. “Đến giờ, tôi thấy mình đã đúng khi dấn thân vào nghệ thuật múa rối. Với loại hình này, tôi được phát huy khả năng của mình, được tham gia gìn giữ, phát triển vốn quý của cha ông”, chị Nguyễn Thị Hoàng Lan chia sẻ.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, việc mở lớp diễn viên kèm cặp tại nhà hát đã tạo được những thế hệ “vàng” cho đơn vị. Sau 16 năm gián đoạn, năm nay, nhà hát mở lại việc tuyển những bạn trẻ đã tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp để đào tạo thành lớp kế cận cho nghệ thuật múa rối.

Tương tự, Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức lớp học kế thừa nghệ thuật tuồng truyền thống cho các nghệ sĩ trẻ. Cứ đến mùa tuyển sinh, cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam lại lặn lội về các địa phương để lựa chọn tài năng đưa về đào tạo. Cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp và nhiều đơn vị cũng chung tay tổ chức các hoạt động, nhằm tìm kiếm tài năng nghệ thuật...

Về những vướng mắc tại các cơ sở đào tạo, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Anh Tuấn cho biết, do chưa có sự thống nhất quan điểm đào tạo nghệ thuật là ngành đào tạo đặc thù, dẫn đến việc xếp đào tạo nghệ thuật cùng đào tạo nghề thông thường trong các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó cho công tác tuyển sinh, đào tạo tài năng nghệ thuật. Bộ đang khẩn trương hoàn thiện tờ trình Chính phủ, đề nghị cho các trường nghệ thuật tiếp tục được đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng như trước.

Trong buổi khảo sát việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mới đây tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục vẫn chưa cụ thể đối với lĩnh vực đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần có văn bản kiến nghị trình Chính phủ sớm xây dựng văn bản quy định chi tiết đối với lĩnh vực đào tạo đặc thù này.

Với những nỗ lực như vậy, hy vọng nghệ thuật nước nhà sẽ có nhiều thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm, đào tạo tài năng nghệ thuật: Vượt thách thức để gỡ vướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.