(HNM) - Sáng 20-10, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tới dự có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo các ban, ngành TƯ, các đoàn ngoại giao... Trước giờ khai mạc, các đại biểu đã đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại biểu Quốc hội cũng đã mặc niệm những người tử nạn do thiên tai vừa qua và tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung chịu thiệt hại do lũ, lụt...
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các cân đối vĩ mô được bảo đảm. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh... Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục, đòi hỏi phải phân tích sâu sắc nguyên nhân để có biện pháp giải quyết hiệu quả, hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững. Đó chính là một trong những yêu cầu đặt ra đối với kỳ họp lần này
Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011. Đánh giá tổng quát kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2010, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Chúng ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu đề ra cho năm 2010. Nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và TTATXH được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao".
Cụ thể, mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao, cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006-2010 đạt khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1,365 triệu đồng/tháng, tăng 8,9% (đã loại từ yếu tố tăng giá). Năm 2010, cả nước tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm mới, đào tạo nghề cho hơn 1,7 triệu người và dự kiến đến cuối năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 40%. Công tác giảm nghèo, nhất là ở 63 huyện nghèo nhất, được triển khai đồng bộ với các giải pháp trợ giúp thiết thực cả về sản xuất và đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, hiện còn 9,5%...
Để thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp, cơ chế, chính sách cần tập trung thực hiện. Trong đó, mục tiêu tổng quát là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; trên cơ sở đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chính phủ cũng trân trọng đề nghị Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào trong cả nước tăng cường giám sát, phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu tạo sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2011, mở đầu kế hoạch 5 năm 2011-2015...
Cũng tại phiên khai mạc, Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri cả nước đã được Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội. Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế, lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lãi suất ngân hàng tăng cao, thiếu điện và điện bị cắt thường xuyên ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; tình trạng quan liêu, lãng phí vẫn chưa giảm. Một số vấn đề dân sinh, xã hội chưa có chuyển biến rõ, như vấn đề vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, dịch bệnh và thiên tai, bão lũ vẫn diễn biến phức tạp; TNGT và ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi; tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình còn gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.