Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm hạnh phúc trong sóng gió

Hương Ngát| 01/02/2011 06:53

(HNM) - Chau Xiêng Sô Phiếp là con trai thứ ba trong một gia đình nghèo có bốn anh em trai ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Sô Phiếp bị liệt hai chân nên mọi sinh hoạt đều diễn ra trên xe lăn. Ở miền quê hẻo lánh của Sô Phiếp, cái ăn còn phải lo từng bữa nên học chữ dường như là điều quá xa xỉ nên câu chuyện về cậu bé Sô Phiếp ham học khiến nhiều người cảm phục.


Tốt nghiệp PTCS, Sô Phiếp theo học Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh An Giang cách xa nhà gần chục cây số. Hằng ngày anh đến trường bằng đôi chân của bạn bè và người thân. Sô Phiếp nỗ lực học tập đêm ngày và liên tục giành danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. "Năm học lớp 9, khi ấy là thời điểm tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp thì bố mắc bệnh nặng qua đời. Mấy anh em còn nhỏ, mẹ lại gầy yếu, bố là trụ cột kinh tế duy nhất trong gia đình đã không còn nữa, nên hồi đó tôi rất sợ phải bỏ học giữa chừng", Sô Phiếp nhớ lại.

Ước muốn theo học về công nghệ thông tin để phù hợp với điều kiện sức khỏe của Sô Phiếp đã trở thành hiện thực khi anh nhận được giấy báo trúng tuyển Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh (học tại chi nhánh Cần Thơ). Niềm vui đỗ đại học vỡ òa trong niềm vui chung của cả gia đình, nhưng lại trở thành nỗi lo bởi tiền đâu để đi học xa nhà. Sau nhiều ngày trăn trở, Sô Phiếp quyết định một mình lặn lội vào Cần Thơ, vừa đi học vừa đi làm ở một xưởng in tư nhân với mức lương 500.000 đồng/tháng. Làm việc được vài tháng thì xưởng in gặp khó khăn, Sô Phiếp cùng nhiều người khác đành chấp nhận nghỉ việc. "Mất việc làm, tôi chuyển sang dạy thêm tin học văn phòng, toán, lý, hóa vào các buổi tối, dù mệt lắm nhưng vẫn phải cố để có tiền sinh nhai và đóng học phí đúng kỳ hạn" - Sô Phiếp nói. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, Sô Phiếp được giới thiệu vào làm việc ở một công ty chuyên về máy tính. Trong thời gian này, Sô Phiếp may mắn được một quỹ từ thiện của Ấn Độ tài trợ theo học khóa đào tạo về công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật tại Trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH). Thời gian theo học khóa đào tạo này, Sô Phiếp đã gặp không ít khó khăn, những bất tiện trong đi lại, thiếu thốn về vật chất, máy móc để học tập. Không nản, Sô Phiếp quyết tâm khắc phục bởi biết rằng, những kiến thức của khóa học này sẽ là cánh cửa mở cho con đường lập nghiệp của mình.

Tốt nghiệp khóa đào tạo lập trình viên, Sô Phiếp đã gõ cửa rất nhiều công ty chuyên về công nghệ thông tin ở Hà nội nhưng đều bị từ chối. Sau đó một công ty kinh doanh máy tính ở Thanh Xuân nhận anh vào làm với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Tìm được việc làm, Sô Phiếp cùng vài người bạn đồng cảnh thuê nhà trọ ở Phú Đô, Từ Liêm. Năm 2008, trận lụt lịch sử ở Hà Nội đã làm thay đổi cuộc đời Sô Phiếp. "Căn phòng trọ nằm ở cuối thôn Phú Đô là nơi trũng nhất nên bị ngập trong nước, khi đó chỉ có mình tôi ở nhà loay hoay tránh nước cùng chiếc xe lăn. Nhìn biển nước cứ dâng lên ngày càng cao, tôi lo lắng. May sao, tôi được một thanh niên trong làng đi thuyền tới cứu" - Sô Phiếp nhớ lại. Sau lụt, Sô Phiếp đã được người dân thôn Phú Đô giới thiệu tới Trung tâm Dạy nghề nhân đạo T&T đóng trên địa bàn huyện Từ Liêm. Sô Phiếp được giao làm quản trị mạng nội bộ, xây dựng trang web, sửa chữa máy vi tính, dạy tin học cho các học viên khuyết tật và được học thêm nghề làm tranh đá quý. Sau một thời gian làm việc, Sô Phiếp được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn.

Đến nay, dưới sự chỉ bảo tận tình của thầy Sô Phiếp, nhiều học viên đã thành thạo tin học văn phòng, biết vẽ trên máy tính và lập ra các trang web cá nhân. "Nhìn các em miệt mài bên máy vi tính, say sưa khám phá tri thức, tôi thấy mình thực sự hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó có nghĩa cho các em. Tôi hy vọng các em khuyết tật sẽ sớm trưởng thành, tự tin vào bản thân và có thể sống tự lập bằng nghị lực, trí tuệ của mình" - đôi mắt Sô Phiếp ánh lên niềm lạc quan và nụ cười tươi rói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm hạnh phúc trong sóng gió

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.