Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp xử lý chất thải và thoát nước ở Hà Nội

Bảo Vy| 09/12/2022 11:23

(HNMO) - Theo báo cáo bằng hình ảnh của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về công tác xử lý chất thải và thoát nước trên địa bàn thành phố, được đưa ra tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, diễn ra sáng 9-12, còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặc dù thành phố rất quan tâm, song, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, cần có những giải pháp tích cực, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Quang cảnh phiên họp sáng 9-12. Ảnh: Viết Thành

Những kết quả đạt được

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây nhằm giải quyết tình trạng úng ngập. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn như các quận Hà Đông, Long Biên, giảm thiểu ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ và sông Cầu Bây. Ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực dân cư tập trung đã và đang hình thành của một số huyện thực hiện Đề án phát triển thành quận vào năm 2025. Hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 từ 50-55% theo các chương trình số 03-CTr/TU và số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII).

Về nội dung trên, HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách, tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào lĩnh vực xử lý nước thải, thoát nước trên địa bàn thành phố. UBND thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành chức năng xây dựng, ban hành các quyết định, chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường; bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô.

Thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã xây dựng nhiều dự án công trình hiện đại, hạ tầng thoát nước của thành phố từng bước được đầu tư hoàn thiện. Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bằng nguồn vốn ODA do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ, bao gồm xây dựng cụm công trình đầu mối Yên Sở công suất 90m3/giây; cải tạo, kè hệ thống sông, hồ điều hòa, kênh mương khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích hơn 77km2, có thể giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã đầu tư cải tạo, sửa chữa 46 hạng mục thoát nước thuộc mạng lưới thoát nước thành phố. 

Ngoài ra, từ năm 2008 đến 2020, đã có hơn 100 dự án thủy lợi được đầu tư, góp phần tiêu thoát nước khu vực đô thị, cải thiện môi trường khu vực nông thôn. Một số khu vực thường xuyên úng ngập cục bộ đã được giải quyết giảm thiểu đáng kể. Tính đến hết năm 2021, đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập cục bộ khi mưa lớn trên các tuyến phố chính.

Cùng với đó, hoạt động xử lý nước thải cũng đang là vấn đề được thành phố đặc biệt quan tâm. Triển khai quy hoạch thoát nước Thủ đô, thành phố đã thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành 6 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất hơn 276.000m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý…

Cùng với đó, hạ tầng cụm công nghiệp, trong đó có trạm xử lý nước thải cũng được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng. Thành phố hiện có 71 cụm công nghiệp đã đầu tư hoạt động, trong đó có 40 cụm hoạt động ổn định. Trong số này, có 37 cụm có trạm xử lý nước thải, đạt tỷ lệ 92,5%.

Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì).

Vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ

Theo nhận định của Thường trực HĐND thành phố, dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thực tiễn vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ.

Hiện có 8 dự án chưa triển khai thực hiện, đó là các dự án: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ; xây dựng thoát nước quận Hà Đông; xây dựng công trình đầu mối cấp 1 quận Long Biên; xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Đô; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải An Lạc.

Trên địa bàn thành phố hiện nay, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố.

Mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm. Đơn cử, dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trên địa bàn huyện Thanh Trì, có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội. Dự án này vừa được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện kéo dài tới năm 2025, thay vì năm 2021 như kế hoạch ban đầu. Dự án đang triển khai 4 gói thầu, trong đó, tiến độ thành phần một số hạng mục của các gói thầu rất chậm so với kế hoạch, chỉ đạt từ 19-40%. Nếu không được nhanh chóng khắc phục, tháo gỡ, thì chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt từ 50-55% theo các chương trình công tác của Thành ủy sẽ khó mà về đích đúng hẹn.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội, đã được UBND thành phố điều chỉnh tiến độ nhiều lần, song sau 9 năm triển khai thi công xây dựng, đến nay vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng. Hiện trạng mạng lưới hệ thống thoát nước thải của dự án đã được xây dựng dở dang không phù hợp với định hướng quy hoạch phân khu S2 đã được UBND thành phố phê duyệt. Vướng mắc này phát sinh từ năm 2014 nhưng đến nay chưa được khắc phục. Dự án cũng chưa lựa chọn được đơn vị quản lý vận hành sau đầu tư; chưa thực hiện việc xây dựng định mức, đơn giá, đào tạo chuyển giao công nghệ; chưa triển khai thực hiện gói thầu bổ sung trạm quan trắc tự động liên tục…

Cũng trên địa bàn huyện Hoài Đức, dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2013, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư triển khai thực hiện, có công suất 4.000m3/ngày - đêm, diện tích xây dựng nhà máy hơn 3.700m2 phục vụ xử lý nước thải khu vực các xã: Vân Canh, Kim Chung, Di Trạch và Lại Yên. Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao từ năm 2016. Đến tháng 3-2017, UBND thành phố đã chuyển chủ đầu tư từ Sở Tài nguyên và Môi trường sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp. Dự án đã được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được đầu tư. Toàn bộ nước thải sinh hoạt và làng nghề đều chảy ra kênh mương tưới tiêu gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra, một số khu công nghiệp vẫn còn tình trạng doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, như tại Khu công nghiệp Quang Minh. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh, hiện có 2 doanh nghiệp chưa đấu nối vào trạm xử lý chung, mà tự xử lý…

Thành phố hiện còn 31 cụm công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa có có trạm xử lý nước thải. Bên cạnh đó, lại xuất hiện tình trạng nhiều trạm xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng lại chưa hề hoạt động ngày nào, gây lãng phí. Trạm xử lý nước thải tập trung tại Cụm tiểu thủ công nghiệp xã Liên Hà, huyện Đan Phượng đã được đầu tư từ năm 2016, nhưng chưa lắp đặt thiết bị, chưa hoạt động… Tương tự, Trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ có diện tích gần 3.000m2, công suất 250m3/ngày - đêm, được đầu tư từ năm 2016 nhưng đến nay cũng chưa một ngày hoạt động.

Một số cụm công nghiệp có công nghệ xử lý nước thải lạc hậu, chất lượng nước thải sau xử lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Cụ thể, tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều, huyện Thanh Trì, trạm xử lý nước thải đã được đầu tư từ năm 2008 nhưng chưa hề vận hành, hiện tại xuống cấp nghiêm trọng, các thiết bị cũ, hỏng, không đáp ứng yêu cầu; Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá có trạm xử lý nước thải với công suất 500m3/ngày - đêm, nhưng hiện xuống cấp, cũ nát, không còn khả năng đáp ứng về công suất trạm cũng như chất lượng nước thải.

Theo thống kê, thành phố còn 35 dự án đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước chính cho các đô thị thuộc Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội còn chậm được đầu tư xây dựng. Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là một ví dụ điển hình. Dự án có tổng diện tích 51,6ha, trong đó diện tích giải phóng mặt bằng hơn 30,7ha. Dự án được phê duyệt từ năm 2013. Qua 2 lần điều chỉnh vào các năm 2019 và năm 2021, theo kế hoạch dự kiến đến hết năm 2022, dự án phải được hoàn thành. Tuy nhiên cho đến nay, hệ thống kênh dẫn nước La Khê ra Trạm bơm Yên Nghĩa chưa được xây dựng xong.

Thực tiễn cho thấy, thành phố cũng đã chỉ đạo thực hiện bằng nhiều chương trình, nghị quyết chuyên đề… Tuy nhiên, môi trường vẫn ô nhiễm, nhiều địa bàn dân cư cứ mưa là ngập… Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án thoát nước và xử lý nước thải chưa được đầu tư theo quy hoạch hoặc đã được đầu tư nhưng tiến độ rất chậm. Nước thải đô thị, nước thải khu cụm công nghiệp, làng nghề chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, chảy ra các con sông, là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sản xuất của nhân dân.

Những tồn tại, hạn chế trên thuộc trách nhiệm các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc đôn đốc triển khai các dự án. Chính vì vậy, thời gian tới, UBND thành phố cần phải có giải pháp căn cơ khắc phục được những tồn tại hạn chế, tập trung giải quyết khó khăn, có lộ trình rõ ràng trong thực hiện; song song tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm và công khai hành vi vi phạm lĩnh vực môi trường.

Những vấn đề tồn tại trên sẽ được đại biểu HĐND thành phố chất vấn UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương tại phiên làm việc chiều 9-12.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp xử lý chất thải và thoát nước ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.