Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp triệt để xử lý quảng cáo vi phạm

Dung Nhi| 15/12/2022 06:12

(HNM) - Mặc dù các địa phương thường xuyên ra quân xử lý việc treo biển quảng cáo quá thời hạn, không phép…, nhưng hiện trên đường phố Hà Nội vi phạm này vẫn khá phổ biến, khiến nhiều tuyến phố trở nên nhếch nhác. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp xử lý triệt để hơn nữa...

Lực lượng chức năng phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) tháo dỡ quảng cáo vi phạm.

Nhếch nhác vì vi phạm trong quảng cáo

Ghi nhận thực tế trên nhiều tuyến đường, phố ngày 12-12 tình trạng băng rôn, quảng cáo đã hết hạn thời hạn quảng cáo, quảng cáo không phép… được treo tùy tiện tại các cửa hàng, tuyến phố, gốc cây. Cụ thể, tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, tầng trên cùng của số nhà 64 Cầu Diễn là biển quảng cáo tấm lớn được bóc vội, còn nham nhở giấy viền mép, trơ lại khung sắt đã bắt đầu hoen gỉ. Theo người dân nơi đây, tình trạng này đã kéo dài cả năm nay nhưng vẫn không thấy chủ nhà gỡ khung quảng cáo xuống. Tương tự, dù không còn nội dung quảng cáo nhưng phía mặt ngoài tầng 3 của số nhà 93 Cầu Diễn và 15 Hồ Tùng Mậu vẫn còn nguyên bộ khung sắt, trông nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Tiếp tục ghi nhận tại địa bàn quận Cầu Giấy, tại số nhà 75 phố Nguyễn Phong Sắc, vẫn lộ rõ khung sắt treo lơ lửng trên tầng 2, 3 của ngôi nhà. Dạo quanh phố Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), những biển quảng cáo tấm lớn đã hết thời hạn được treo, nhưng vẫn không được tháo dỡ. Vì thế, những tấm bạt theo thời gian đã tự rách rời thành những miếng nham nhở, trơ lại những khung sắt hoen gỉ...

Đặc biệt, tấm biển quảng cáo của thẩm mỹ viện Hồng Kông còn ngang nhiên treo ngay dưới biển chỉ dẫn: Cầu Chương Dương - Lý trình 169 700 - quốc lộ 1A khiến nhiều người tham gia giao thông lo ngại. Các tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, Lê Quang Đạo, quốc lộ 32 đoạn qua quận Nam Từ Liêm … cũng được ghi nhận tình trạng tương tự...

Nói về thực trạng này, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung cho biết, việc bóc xóa quảng cáo vi phạm, hết hạn là việc làm thường xuyên của lực lượng chức năng phường. Tuy nhiên, do ý thức của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế nên không tự tháo dỡ, khiến một số nơi còn tồn tại vi phạm. Thời gian tới, phường tiếp tục tuyên truyền để người dân không tự ý treo biển quảng cáo sai phép và gỡ bỏ thông tin quảng cáo hết thời hạn. Nếu các cá nhân, tổ chức không chấp hành, lực lượng chức năng phường sẽ tháo dỡ và xử lý nghiêm vi phạm.

Biển quảng cáo tấm lớn rách nát, trơ khung sắt tại số 64 đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Cần kiên quyết hơn

Đề cập đến những tồn tại nêu trên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, trong năm 2022, quận đã kiểm tra, xử lý trên 380 biển quảng cáo, biển hiệu, biển chỉ dẫn sai quy định... Trong quá trình xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn do việc thiếu hợp tác của các tổ chức, cá nhân vi phạm. Do đó, UBND quận đã kiến nghị thành phố đề xuất với cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo hình thức tăng mức xử phạt về hành vi quảng cáo rao vặt không đúng quy định. Theo ông Trần Thanh Long, bên cạnh việc tăng cường tổ chức ra quân xử lý vi phạm, quận đang xây dựng tuyến phố điểm về quảng cáo, trong đó chọn phố Nguyễn Cơ Thạch làm tuyến phố điểm về các hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu, biển chỉ dẫn và trang trí tuyên truyền của quận.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Ngọc Anh, tính đến ngày 30-9, quận đã xử lý, tháo dỡ 353 trường hợp vi phạm về biển hiệu, còn tồn tại 161 trường hợp hiện đang trong quá trình xử lý. “Ngày 29-11, UBND quận ban hành kế hoạch yêu cầu các phòng, ban, 18/18 phường tăng cường đôn đốc kiểm tra, rà soát xử lý dứt điểm, áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu đơn vị không tự khắc phục vi phạm để băng rôn, biển hiệu, bảng quảng cáo đã bị tháo dỡ phần nội dung, trơ lại phần khung sắt hoen gỉ”, bà Ngọc Anh khẳng định.

Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, hiện lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, vi phạm. Trong đó, vi phạm phổ biến là lắp đặt biển hiệu, quảng cáo không đúng quy định; biển quảng cáo rách, quá thời gian tuyên truyền. Để giải quyết tình trạng này, trong quý III và IV-2022, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế các khu vực, địa điểm đặt bảng quảng cáo, biển hiệu tại các cơ sở kinh doanh và cá nhân tại các địa phương. Đoàn kiểm tra đã chụp ảnh hiện trạng, thống kê, lập danh sách, phân loại vi phạm; rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm hoặc tái vi phạm. Sau đó, tham mưu lãnh đạo Sở Xây dựng phương án tổ chức xử lý, cưỡng chế, tháo dỡ các bảng quảng cáo vi phạm đối với những trường hợp cố tình không chịu tháo dỡ, di chuyển.

Tổ chức ra quân bóc, xóa quảng cáo vi phạm, hết hạn là việc làm thường xuyên của các địa phương. Tuy nhiên, vi phạm vẫn tồn tại và khó xử lý dứt điểm. Vì vậy, thời gian tới các địa phương cần kiên quyết hơn, tăng cường cưỡng chế, xử phạt hành chính nhiều hơn để hạn chế thấp nhất các vi phạm tái diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp triệt để xử lý quảng cáo vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.