(HNMO) - Chiều 3-2, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và 6 tỉnh, thành phố có đường biên giới giáp Trung Quốc tổ chức hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trong bối cảnh dịch bệnh bởi vi rút corona.
Xuất khẩu nông sản gặp khó khăn
Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 8,47 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp trong những ngày đầu năm 2020 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất nhập khẩu giữa 2 nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, đến ngày 2-2-2020, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đang tồn đọng hơn 5.300 tấn hàng hoá chờ xuất sang Trung Quốc, chủ yếu là thanh long, dưa hấu từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết thêm, theo hợp đồng, nhiều doanh nghiệp sẽ tiêu thụ thanh long từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 2020. Tuy nhiên, do có dịch bệnh nên hầu hết đơn hàng bị hủy khiến lượng lớn thanh long bị tồn kho. Các doanh nghiệp thu mua chỉ hỗ trợ nông dân 4.000 đồng/kg thanh long cho các đơn hàng bị hủy này, gây thất thu lớn cho nông dân (giá trước đó là 35.000- 37.000 đồng/kg)
Không chỉ nông sản xuất qua tiểu ngạch mà ngay nông sản chính ngạch cũng gặp khó khăn như sữa, thuỷ sản... Cụ thể, Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sữa từ tháng 10-2019, nhưng đến đầu năm 2020, Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được sang thị trường này do dịch bệnh.
Tương tự, đối với mặt hàng thuỷ sản, phía Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu đến hết ngày 9-2-2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Chủ động tìm kiếm thị trường mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến 9-2-2020, nếu dịch viêm phổi cấp không được kiểm soát hiệu quả, lây lan diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh, dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam có nguy cơ chịu tác động rất cao. Vì vậy, trước mắt Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản và các cục chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tích cực tìm kiếm thị trường mới.
Bộ NN&PTNT sẽ cùng các doanh nghiệp tổ chức một số đoàn xúc tiến thương mại tại thị trường khác, như: Khu vực Trung Đông, châu Âu; các nước: Brazil, Nhật Bản, Liên bang Nga, Australia, New Zealand, Hàn Quốc…
Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thu xếp các chuyến công tác nhằm tháo gỡ khó khăn; đồng thời, tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp khi xuất qua cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, tỉnh đã đàm phán với phía Trung Quốc sớm cho thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu chưa phát hiện dịch bệnh nhằm giải tỏa ùn ứ nông sản cho nông dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo chủ các bến bãi giảm chi phí lưu bãi, hỗ trợ ăn ở miễn phí cho các chủ xe hàng. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp không nên đưa hàng lên cửa khẩu…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đang tăng cường công tác xúc tiến đầu ra cho nông sản. Bộ yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam tham gia hỗ trợ bảo quản nông sản cho nông dân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ sẽ ưu tiên thị trường nội địa, đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn... nhất là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ NN&PTNT cũng khuyến nghị các địa phương điều chỉnh tiến độ sản xuất, cân đối tỷ lệ cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.