(HNMO - Ngày nay, nhu cầu thưởng thức âm nhạc nghệ thuật được nâng cao, công chúng sẵn sàng chi ra vài triệu đồng để thưởng thức một đêm nghệ thuật. Điều đó cho thấy sức sống của các chương trình giải trí đang lên.
Những chương trình biểu diễn có sự xuất hiện của các tên tuổi luôn là dịp để dân phe vé làm loạn giá |
2011- Năm bội thu của showbiz Việt
Có thể nói rằng, năm 2011 là một dấu mốc cho sự phát triển chuyên nghiệp của các sân khấu âm nhạc tại Việt Nam. Chưa có năm nào mà khán giả cả nước được thưởng thức cùng lúc nhiều chương trình có sự xuất hiện của những ngôi sao quốc tế đình đám Backstreet Boys, West Life, David Archuleta, Super Junior, 2AM và những nghệ sĩ tên tuổi khác như năm nay. Các sự kiện âm nhạc được đầu tư một cách công phu và làm thỏa lòng người hâm mộ bằng những màn trình diễn đẹp mắt, chất lượng. Ca sĩ nổi tiếng trong nước cũng cống hiến cho thị trường âm nhạc và người yêu nhạc những chương trình mang tính nghệ thuật cao, hấp dẫn và lôi cuốn như Hồng Nhung – Quang Dũng, Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm,…
Công chúng Việt giờ cũng hào phóng hơn trước khi sắn sàng bỏ một khoản tiền lớn cho nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật, văn hóa. Đêm liveshow “Đôi mắt người xưa” của ca sĩ Quang Lê ngày 4/3 vừa dù mức giá lên từ 500.000 đến 2.500.000 một vé nhưng số lượng vé phát hành nhanh chóng được bán hết. Thậm chí những tấm vé chợ đen bán với giá 7 triệu đồng vẫn có người săn tìm. Nhiều đêm nhạc của các “sao” giải trí cũng ngất ngưởng lên đến vài triệu ở hàng VIP. Chẳng biết thực giả đến đâu, nhưng rõ ràng với một mức giá vé xa xỉ cho một buổi biểu diễn khiến nhiều công chúng có thu nhập trung bình phải giật mình.
Liveshow ca sĩ Nguyên Lê với khách mời là ca sĩ Tùng Dương, Mỹ Linh vào tối 25/12 cũng cháy vé |
Liveshow của nghệ sĩ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam cũng thu hút được đông đảo khán giả mua vé để tham gia như liveshow Gravity Tour của Westlife đã bán được 17 800 vé còn Backstreet Boys đã tiêu thụ khoảng 50 000 vé ở cả Hà Nội và Hồ Chí Minh. Lực lượng công chúng sẵn sàng mở hầu bao để tới tham gia một sự kiện âm nhạc đã tăng lên rõ rệt, mở ra những triển vọng trong tương lai cho những nhà tổ chức sự kiện.
Tuy nhiên, cũng vì sự hào phóng này vô tình nuôi dưỡng cho một đội ngũ phe vé sống khỏe hơn. Nạn phe vé với giá trên trời, đôi khi cao gấp 3 – 4 lần giá gốc đã góp phần làm nhiễu giá trị nghệ thuật. Chưa kể, với công nghệ tinh vi, dân phe vé có thể dễ dàng làm giả những tấm vé có trị giá vài triệu đồng.
Phe vé, vé giả, bao giờ kết thúc?
Chị Khanh- một người đã từng bị mua vé giả trong liveshow Quang Lê tháng 3 vừa qua chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đi xem ca nhạc. Biết tin Quang Lê về Việt Nam biểu diễn tôi mới quyết tâm đi xem mà vé lại đã bán hết sạch nên đành phải mua vé bán ở ngòai. Nào ngờ đâu lại thành ra vé giả. Chắc có lẽ đây sẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi đi mua vé xem ca nhạc”. Đồng cảnh ngộ với chị Khanh, 50 khán giả khác đã phải vừa tức giận vừa ngậm ngùi vì mất tiền mà không được xem chương trình bởi vé giả. Còn BTC chương trình ca nhạc đó thì phải lên tiếng xin lỗi những người bỏ tiền mua vé thật nhưng không có chỗ ngồi. Đến giờ, nhiều đơn vị tổ chức để canh chừng tình trạng này đã sử dụng nhiều biện pháp an ninh, truyền thông khác nhau nhưng nạn phe vé, bán vé giả vẫn hoành hành.
Dân phe buôn bán nhộn nhịp trước giờ diễn của nhóm nhạc Weslife tại Việt Nam |
Nhìn một cách khách quan thì lý do mà giới phe vé vẫn có thể “sống” được do nhiều nguyên nhân. Sự quản lý lỏng lẻo của đơn vị tổ chức, chưa kể có thể có sự tiếp tay của chính đội ngũ bán vé khi “bật đèn xanh” cho dân phe mua với số lượng lớn, một nguyên nhân khác là do những người mua vé. Khán giả Việt vẫn chưa có thói quen đặt vé từ trước mà thường là sát buổi diễn mới đi mua vé, hoặc có có người còn hy vọng để đỡ mất thời gian chờ đợi mua vé ở dân phe cho tiện. Tâm lý này đã tạo điều kiện cho dân phe dễ dàng “bịt mắt”. Liveshow Nguyên Lê diễn và vào ngày 25/12 tại Nhà hát lớn cũng cháy vé từ vài tuần trước. Đến sát giờ diễn dân phe vé được dịp hoành hành vì lượng khán giả có nhu cầu vẫn cao chưa kịp mua vé từ trước. Và còn biết bao chương trình biểu diễn nghệ thuật trong tình trạng tương tự.
Để tránh tình trạng này, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn đã nghĩ ra cách bán vé online trên trang web chính thức của chương trình. Cách làm này có vẻ khá hiệu quả bởi công chúng có thêm một kênh thông tin để lựa chọn. Gần đây, có một đơn vị đã lên ý tưởng xây dựng một chuyên trang cung cấp và phân phối vé âm nhạc từ các đơn vị tổ chức qua mạng internet. Dù rằng đây là cách làm không mới nhưng cho đến nay vẫn chưa có một trang website nào chuyện làm việc kết nối trực tiếp và chính thống với những chương trình ca nhạc để cung cấp những thông tin chính thức của chương trình và cung cấp vé một cách an toàn cho khán giả.
Có cung ắt sẽ có cầu, nếu như trước đây khán giả phải tìm kiếm vé qua các diễn đàn cá nhân trên mạng, phải mua lại vé với giá cao hơn giá gốc thì giờ khán giả có thể mua vé trực tiếp từ đơn vị tổ chức cung cấp qua hình thức trực tuyến. Với dự án thành lập chuyên trang cung cấp tin tức thị trường âm nhạc online www.musicshow.vn, khán giả sẽ có thêm kênh để lựa chọn nhu cầu giải trí và theo an tâm mua được vé thật lại vừa không tốn thời gian và công sức đi mua vé tại quầy. Dự án www.musicshow.vn dự kiến được ra mắt vào 1/1/2012.
Chưa biết, kết quả của trang web online về thị trường âm nhạc này sẽ hoạt động thế nào, nhưng dù sao trong tình trạng đang hỗn loạn thị trường biểu diễn hiện nay thì đây có thể là một giải pháp cho những khán giả có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.