(HNM) - Thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Hà Nội đã có những cánh đồng mẫu lớn với quy mô hàng nghìn héc ta. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao là: Gạo Bồ Nâu - Thanh Văn, gạo thơm Bối Khê - Tam Hưng, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn. Tuy nhiên,
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, những năm qua diện tích sản xuất lúa chất lượng cao không ngừng tăng. Nếu như năm 2010 chỉ là 19.538ha, chiếm 10,4% thì đến năm 2016 số diện tích trồng lúa chất lượng cao của thành phố đã chiếm 36-37% tổng diện tích lúa, tiêu biểu là các huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Thường Tín… Theo quy hoạch của thành phố, đến năm 2020, diện tích lúa chất lượng cao đạt 40.000ha canh tác, chiếm khoảng 43% diện tích lúa, tập trung chủ yếu ở 8 huyện là Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Tuy nhiên, hầu hết gạo chất lượng cao hiện nay đều được thương lái thu gom, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu rất ít.
Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai chia sẻ: Dù gạo Thanh Văn đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể với tên gọi "Gạo Bồ Nâu" song chỉ một vài vụ đầu được thương lái thu mua nhiều, 1, 2 vụ gần đây gạo bắt đầu bán chậm. HTX Nông nghiệp Thanh Văn cũng chỉ có điều kiện hỗ trợ nông dân giới thiệu sản phẩm, kêu gọi thương lái chứ không thể bao tiêu được hết sản phẩm cho nông dân. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Hồ Văn Thắng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hát Môn, Phúc Thọ cho biết: Mặc dù sau mỗi vụ lúa, thương lái đều tiêu thụ hết gạo chất lượng cao cho nông dân, song giá bán thường không ổn định. Nếu có doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ thì nông dân sẽ yên tâm sản xuất hơn. Không chỉ ở Hát Môn mà hầu hết vùng lúa chất lượng cao của Hà Nội đang rơi vào tình trạng chung này.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hiện nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có gạo chất lượng được sản xuất ra với số lượng lớn nhưng bán chậm, giá không ổn định do chưa có doanh nghiệp đứng ra hợp tác, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đa số các HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp tiềm lực còn yếu, chưa được đầu tư do đó không đủ khả năng bao tiêu sản phẩm. "Đầu ra" cho gạo chất lượng cao hiện lệ thuộc nhiều vào các tiểu thương nhỏ.
Nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất, tạo ra giá trị bền vững của sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao, Sở NN&PTNT Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp kết nối để triển khai thực hiện mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố nhằm tạo mô hình chuỗi liên kết khép kín, đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tháng 4 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai tổ chức triển khai mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa chất lượng cao năm 2016. Mô hình tập trung có quy mô 20ha tại xã Tam Hưng với sự tham gia của 50 hộ nông dân và sản phẩm sẽ được Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội cam kết bao tiêu toàn bộ trong mô hình.
Ông Chí khẳng định: Tham gia mô hình liên kết, người sản xuất được tập huấn về kỹ năng liên kết và hoạt động tổ nhóm, kỹ năng nắm bắt nhu cầu và sản xuất theo thị trường, kỹ năng vận hành máy móc, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp. Sản phẩm từ mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, được kết nối với doanh nghiệp và cam kết tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu của mô hình là để kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, chứng minh và truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất rõ ràng để phát triển thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao của xã Tam Hưng. Từ mô hình này, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng nhằm bảo đảm đầu ra cho gạo chất lượng Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.