(HNM) - Cán bộ đoàn được giao thực hiện nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp thanh niên thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN), để giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng họ.
Nhiệm vụ và mục đích rất cao cả và quan trọng, song hiện nay, công tác cán bộ của tổ chức đoàn đang vấp phải khó khăn, nhất là "đầu ra" khi cán bộ đã quá tuổi đoàn. Trong bối cảnh đó, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã có cách làm mới tìm "đầu ra" cho cán bộ đoàn.
Tuổi trẻ xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt |
Quá tuổi vẫn "dậm chân tại chỗ"
Tại hội nghị bàn về việc giải quyết "đầu ra" cho cán bộ đoàn khi hết tuổi đoàn do Huyện ủy, Huyện đoàn Phúc Thọ phối hợp tổ chức cuối tháng 3 vừa qua có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, cán bộ cấp ủy đảng, tổ chức Đoàn từ thành phố tới cơ sở. Các đại biểu thống nhất nhận định: Đảng ta xem xây dựng Đoàn thanh niên là xây dựng Đảng trước một bước và cán bộ làm công tác thanh niên là nguồn quan trọng bổ sung cán bộ cho Đảng, Nhà nước, mặt trận, các đoàn thể. Công tác cán bộ đoàn là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Theo quy định, cán bộ đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp, giữ chức vụ không quá 35 tuổi.
Tuy nhiên, thực tế lại khác xa. Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ Nguyễn Đức Tiến cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, toàn huyện có 71 bí thư, phó bí thư Đoàn xã, thị trấn đã và đang làm công tác đoàn, trong đó có 17 người quá tuổi theo quy định nhưng vẫn phải "dậm chân tại chỗ"... Trên thực tế, hiện nay nhiều cán bộ đoàn sau hàng chục năm cống hiến đều mong muốn được trưởng thành Đoàn, luân chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, nhưng chưa được giải quyết. Việc này dẫn đến tình trạng mặc dù tâm huyết và nhiệt tình với hoạt động đoàn, nhưng sự năng động, xông xáo thì không thể bằng thế hệ trẻ.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi), Bí thư Đoàn xã Ngọc Tảo có thâm niên gần 16 năm làm công tác đoàn (11 năm làm Phó Bí thư Đoàn xã, 5 năm làm Bí thư Đoàn xã) chia sẻ, mỗi thủ lĩnh thanh niên luôn có mục tiêu rõ ràng là phải cống hiến, nhưng khi quá tuổi đoàn đã lâu, tính chất sôi nổi giảm bớt, họ muốn thay đổi vị trí phù hợp nhưng quá khó khăn. Còn Bí thư Đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc Khuất Duy Kim, nguyên Bí thư Đoàn xã thẳng thắn nêu: Hiện nay, xã có nhiều người trẻ có năng lực, nhưng do có nhiều lãnh đạo cấp ủy, chính quyền còn những hơn chục năm mới đến tuổi hưu nên việc bố trí công tác mới cho cán bộ đoàn bị "tắc". Anh Kiều Cao Việt, Bí thư Đoàn xã Tích Giang (39 tuổi, có 17 năm công tác đoàn) phản ánh: Có người làm công tác đoàn quá lâu, không được luân chuyển đã phải tự chọn hướng khác như đi xuất khẩu lao động.
Mạnh dạn gỡ khó
Đã từng nhiều năm làm lãnh đạo tổ chức đoàn, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu nhận thấy, lực lượng cán bộ đoàn từ cấp cơ sở trở lên ở huyện Phúc Thọ nói riêng, các địa phương nói chung đa số được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực, nhiệt tình cách mạng, phẩm chất chính trị, đạo đức. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ đoàn luôn nỗ lực, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân, xứng đáng là đội ngũ cán bộ "dự bị tin cậy" của Đảng. Song, nhiều năm nay các cơ sở đoàn vẫn loay hoay với bài toán "đầu ra" cho cán bộ đoàn. Cơ chế về việc này vẫn còn đóng khung, chưa có quy định cụ thể về việc sắp xếp vị trí công tác mới cho cán bộ đoàn hết tuổi đoàn. Đơn vị cấp xã có khoảng 20 cán bộ được biên chế và thường thì khi cán bộ về hưu mới có "chỗ trống" cho cán bộ đoàn thay thế, nên nhiều cán bộ đoàn dù hết tuổi vẫn phải đợi dài dài... Thời gian qua, huyện ủy rất trăn trở về việc này, song do định biên của cấp xã cố định và không có sự thay đổi nên "đầu ra" cho cán bộ đoàn quá tuổi vẫn gặp những khó khăn.
Trước tình hình đó, gần đây huyện Phúc Thọ đã tìm được hướng đi đột phá cho công tác này. Cụ thể, huyện ủy đã xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020; quy hoạch ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ đảng ủy và các chức danh chủ chốt 23 xã, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó đã xây dựng chỉ tiêu đề bạt, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ đoàn cấp huyện có tỷ lệ trẻ chiếm 30% (vượt 15% theo yêu cầu); cấp xã có tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm tới 42%. "Bên cạnh sự quyết liệt đổi mới, tạo đột phá về công tác cán bộ trẻ, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn mới cho cán bộ trẻ..." - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Rõ ràng, để gỡ bỏ những rào cản về công tác cán bộ, tạo cơ hội mới cho cán bộ đoàn, không phụ thuộc nhiều ở cơ chế, quy định cứng nhắc, mà hiệu quả do sự quyết đoán, quyết liệt thay đổi theo hướng năng động, thực chất của người đứng đầu. Hy vọng cách làm ở Phúc Thọ qua thời gian sẽ chứng minh được hiệu quả để cán bộ đoàn đỡ thiệt thòi, bị chậm hoặc mất cơ hội so với khả năng của họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.