(HNM) - “Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành Y tế, hướng tới quốc gia số” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy khi chứng kiến sự ra mắt "Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa" và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng, chống Covid-19 do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế tổ chức sáng 18-4.
Cả hai sản phẩm này do doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước nghiên cứu và phát triển có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cả nước đang ứng phó với dịch Covid-19, khi thực tiễn đòi hỏi phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn.
Nói cách khác, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển các ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh; phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập từ xa trong bối cảnh cách ly xã hội... Hay xa hơn, dịch Covid-19 là cơ hội để mỗi đơn vị, mỗi ngành, địa phương chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, hướng tới một quốc gia số như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều là như vậy.
Kể từ khi bùng phát đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều lĩnh vực như du lịch, hàng không, dịch vụ lưu trú, giải trí... gần như ngừng hoạt động. Hàng loạt doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, giãn nhân công do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu hay đình trệ đơn hàng xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế quý I-2020 thấp nhất trong nhiều năm qua. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 30% doanh nghiệp khó trụ nổi nếu dịch kéo dài 3 tháng; 50% doanh nghiệp khó trụ nổi nếu dịch kéo dài 6 tháng...
Tuy nhiên, trong khó khăn chung đó, đã có doanh nghiệp tìm ra cơ hội không chỉ duy trì sản xuất, giữ chân lao động mà còn có thể phát triển. Sẵn nguồn nguyên liệu vải dệt xuất khẩu, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân phát triển sản phẩm khẩu trang vải và cung ứng nguyên liệu cho nhiều đơn vị bạn. Tổng công ty May 10 từ chỗ chuyển sang làm khẩu trang kháng khuẩn nhằm bù đắp đơn hàng may mặc, đã được đặt hàng 400 triệu khẩu trang y tế. Vì vậy, Tổng công ty quyết định nhập máy về để sản xuất. Riêng đơn hàng này đã tương đương 30% kế hoạch doanh thu của May 10 trong năm 2020.
Cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhiều ngành dịch vụ đã chuyển sang cung ứng sản phẩm trực tuyến. Có đơn vị, đơn hàng trực tuyến gia tăng 200% so với trước đây; qua đó, không chỉ duy trì doanh thu mà còn tiết kiệm chi phí so với kênh bán hàng truyền thống.
Dịch bệnh đã cho thấy rõ hơn giá trị của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh. Dịch bệnh cũng cho thấy yêu cầu phải đổi mới liên tục để thích ứng nhanh và trụ vững trong mọi hoàn cảnh.
Chắc chắn sẽ có nhiều điều được rút ra từ câu chuyện chuyển đổi sản xuất của Tổng công ty May 10 hay từ cơ hội của các doanh nghiệp công nghệ thông tin khi ứng dụng trực tuyến lên ngôi. Song hơn cả, có lẽ là việc sẵn sàng tâm thế để đón nhận cơ hội khi dịch bệnh lắng xuống. Dù diễn biến dịch bệnh vẫn là yếu tố then chốt tác động đến quá trình phục hồi kinh tế và chưa thể khẳng định thời điểm nào thì dịch bệnh kết thúc, nhưng chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, nhanh chóng bứt phá. Như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, thế giới sẽ thay đổi toàn diện sau dịch bệnh, vì vậy việc đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng cho nền kinh tế mới là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, đây là lúc để doanh nghiệp hoàn thiện mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, đa dạng thị trường để tránh lặp lại bài học đang trải qua.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch; các địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này. Tinh thần, như Thủ tướng đề nghị là “cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện. Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”.
Thực tế, trong suốt thời gian qua, bên cạnh "mặt trận" chống dịch Covid-19, thì mặt trận "kinh tế" cũng rất được quan tâm. Bằng chứng là hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai; cùng với đó là những giải pháp duy trì tăng trưởng đã được đưa ra như đẩy mạnh đầu tư công, cải cách hơn nữa thủ tục hành chính... làm bệ đỡ và thúc đẩy các ngành sản xuất, kích hoạt đầu tư tư nhân. Và chắc chắn doanh nghiệp sẽ tìm thấy không ít cơ hội trong đó. Ví như, dự án đầu tư công được đẩy mạnh kéo theo các lĩnh vực sản xuất sắt thép, xi măng, vật liệu... tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Vì vậy, giờ là lúc "chung sức, đồng lòng, cố gắng gấp ba" như chỉ đạo của Thủ tướng để nắm bắt cơ hội và sẵn sàng bứt phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.