Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam, tham gia Hội nghị bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong tham gia thỏa thuận hợp tác phòng chống ma túy năm 1993 (MOU 1993).
Hội nghị đã khai mạc tại thủ đô Vientiane của Lào ngày 24/5.
Tham dự hội nghị còn có các đoàn đại biểu cấp cao Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).
Phát biểu tại buổi khai mạc của hội nghị, Trung tướng Phạm Quý Ngọ đã nêu bật những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong công tác phòng chống ma túy thời gian qua.
Chính phủ Việt Nam đã đưa chương trình phòng chống ma túy thành Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời đang tiếp tục triển khai nhiều chủ trương, biện pháp tích cực nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi hiểm hoạ ma túy.
Trong khuôn khổ khu vực, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã nhấn mạnh vấn đề quan trọng cần phải giải quyết đồng bộ mối quan hệ giữa giảm cung và giảm cầu về ma túy; khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác khu vực trong phòng chống ma túy, đặc biệt giữa các nước có chung đường biên giới.
Việt Nam cam kết cùng các nước làm hết trách nhiệm để chương trình phối hợp hành động MOU 2011 đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong hy vọng hội nghị thảo luận và tìm ra biện pháp giải quyết các vấn đề ma túy một cách hữu hiệu và bền vững.
Chính phủ Lào sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực chung trong việc kiểm soát ma túy của cộng đồng quốc tế, cũng như của UNODC.|
Trong các phiên thảo luận, hội nghị nhất trí cho rằng, MOU cần tiếp tục đóng vai trò như một diễn đàn để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong; trong thời gian tới cần điều chỉnh quy mô các hoạt động hợp tác của MOU và tập trung triển khai một số dự án ưu tiên trong phối hợp hành động giữa các nước tiểu vùng.
Hội nghị cũng đã thảo luận và thông qua Kế hoạch hành động tiểu vùng, xác định các mục tiêu ưu tiên và các giải pháp lâu dài, tổng thể nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sản xuất, buôn bán và lạm dụng ma túy trong hai năm tới.
Năm 1993, các nước tiểu vùng sông Mekong và UNODC đã ký biên bản ghi nhớ về Thỏa thuận hợp tác về phòng chống ma túy tiểu vùng sông Mekong. Từ năm 1995 đến nay, đã có 16 hội nghị cấp bộ trưởng và quan chức cấp cao được tổ chức luân phiên trong sáu nước thành viên tiểu vùng sông Mekong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.