Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tiểu thuyết hay bật ra từ vô thức con người!”

Thi Thi| 24/07/2011 06:53

(HNM) - Với tiểu thuyết thứ 3 -


- Cuối cùng thì nỗi băn khoăn "không biết có còn hấp dẫn bạn đọc" của ông cũng được giải tỏa phần nào sau một thời gian "Đội gạo lên chùa" ra mắt. Xin ông chia sẻ về tứ truyện độc đáo đã góp phần kéo bạn đọc đi hết hơn 800 trang sách?

- "Đội gạo lên chùa" vẫn là câu chuyện một làng quê thôi, chỉ có điều khác là nó nhìn từ một ngôi chùa - nơi gắn bó với số phận người nông dân, với văn hóa làng. Cái tứ ấy không đến đột ngột, bởi tôi thích đạo Phật từ thuở bé, đã mày mò đọc sách, đi thăm, tìm hiểu chùa chiền nhiều. Những suy tư, trăn trở về đạo Phật và đời sống con người Việt ta ngày một lớn dần. Năm 1976-1977, tôi vào Bệnh viện E chụp phổi và gặp cảnh tượng một anh bộ đội chừng ngoài 30 tuổi đang chăm sóc một ông sư gầy yếu với dáng vẻ tận tình. Thấy lạ, tìm hiểu thì biết anh vốn là chú tiểu, được nhà sư nuôi nấng từ bé. Lớn lên, vào chiến trường miền Nam, được phục viên là quay lại chùa. Anh bộ đội - nhà sư ấy rất thâm sâu đạo lý nhà Phật, chính anh trở thành người nâng đỡ, động viên thầy vượt qua bệnh tật… Đó là nguyên mẫu hình thành nhân vật chú bé An sau này. Năm 2006-2007, những ý nghĩ về một ngôi làng Việt qua thăng trầm lịch sử đã thôi thúc tôi trở lại đề tài từng đề cập trong tiểu thuyết "Làng nghèo" viết từ  năm 1959 hồi còn 26-27 tuổi nhưng chưa kịp in. Vậy là kết hợp nhiều yếu tố, 74-75 tuổi tôi bắt đầu viết tác phẩm này, mở rộng ra trên nền tảng tinh thần Phật giáo và một hệ thống nhân vật hoàn toàn mới.

- Và câu chuyện ấy đã chạm tới những điều sâu thẳm trong văn hóa Việt cũng như  những trăn trở trong đời sống  hôm nay?

- Tác phẩm có nhiều chủ đề, trong đó có Phật giáo trong đời sống hôm nay… Phật giáo Việt Nam là nhập thế: "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên", như Trần Nhân Tông, như Vạn Hạnh đã nói. Hay như dân gian "Thứ nhất tu tại gia…".  Chạm tới Phật giáo là chạm tới sợi dây đàn luôn ngân trong mỗi người Việt. Phật giáo là một trong 3 thành tố tạo nên tâm thức người Việt ta, gồm Phật giáo, Khổng giáo và văn hóa làng.

Con người hiện đại luôn tất bật, nhiều stress. Tôi không phải là phật tử,  nhiều người khác cũng không, nhưng chất Phật giáo đã thấm từ người mẹ qua bao đời truyền vào ta, nằm trong vô thức. Hãy coi Phật giáo như một lối sống, thực hiện từ bi, hỉ xả , sống nhân hậu, biết chia sẻ buồn, vui với người khác mỗi ngày. Tôi quan niệm, được sinh ra trên đời này đã là hạnh phúc lắm rồi, phải sống làm sao cho tốt đẹp hơn. Còn tôn giáo vẫn phải là sự kết hợp giữa niềm vui sống và sự trong trắng tâm hồn. Làm sao để ca tụng sự khát sống, vui sống của cuộc đời này nhưng phải cộng với sự an bình trong tâm ta.

- Cuộc phiêu lưu của chú bé An đã dẫn người đọc đi qua bao thăng trầm của đất nước, trong đó có những vấn đề trở thành thử thách đối với văn học như cải cách ruộng đất. Ông đã đi qua những trang viết đó thế nào?

- Quả thật, đây là những trang viết mà ngay cả NXB cũng phải đọc kỹ và nhờ đến sự thẩm định của cơ quan tư tưởng. Tôi nghĩ, tư tưởng Phật giáo trong tác phẩm đã thấm vào trang viết. Nó cho tôi một tâm thế đủ nồng nhiệt và đủ tỉnh táo để trước những biến thiên dữ dội ấy, giữ được cái nhìn bình tĩnh, coi đó là cái ấu trĩ của lịch sử phải trải qua, là cái giá phải trả trong hành trình đi lên của dân tộc. Phật giáo gọi đó là "cộng nghiệp". Thông qua lớp thiếu niên trong làng như Rêu, Trắm, Huệ, Tiến… tôi cũng muốn phản ánh những điều cốt lõi của đạo lý dân tộc đã được gìn giữ ngay trong những ngày tháng thăng trầm ấy của đất nước.

- Bạn đọc cũng rất tò mò muốn biết nhà văn U80 như ông đã lao động trên cánh đồng chữ như thế nào để cho ra đời những cuốn tiểu thuyết ngót nghìn trang như thế?

- Mấy cuốn tiểu thuyết tôi đều viết tay, viết hằng ngày vào giờ hành chính, mỗi ngày 3 trang giấy thôi. Theo tôi, viết tiểu thuyết thì chiêm nghiệm và thời gian suy ngẫm là nhiều nhất. Có hai lối viết, mà tôi theo loại thứ hai tức là chỉ có đại lược, không có dàn bài chi tiết. Viết đến chương nào thì lại dàn ý trước cho 2-3 chương tiếp theo. Như thế, có cái vất vả mà cũng có cái lợi là nhân vật tự nhiên, không gò bó. Tôi quan niệm tiểu thuyết hay là tiểu thuyết xuất phát từ vô thức con người, từ sâu thẳm trong mỗi người mà bật ra, ngộ ra. Viết là thả lỏng cho tâm thức mình thức dậy, tạo điều kiện cho vô thức mình được giải phóng.

- Tác phẩm viết theo lối cổ điển, nhưng cũng có khá  nhiều tình tiết hư ảo, với các thủ pháp hiện đại? Các nhân vật chính rất ám ảnh và có phải đều có nguyên mẫu?

- Viết theo lối cổ điển có ưu điểm là mạch lạc, chững chạc, dễ đọc. Nhưng như thế không có nghĩa là không thể sử dụng những thủ pháp hiện đại, gần gũi với con người hôm nay. Thời nay, không khí sáng tác dân chủ, mở rộng ra nhiều trường phái, với nhiều kiểu bạn đọc. Các trường phái rồi cũng sẽ qua đi, nhưng nó để lại những kinh nghiệm sáng tác cho người đi sau. Và dù dẫn dắt câu chuyện theo lối cổ điển, nhưng ta vẫn có thể sử dụng có mức độ những thủ pháp khác để làm nổi chủ đề tác phẩm.

Các nhân vật của tôi đều dựa vào nguyên mẫu song cũng phải hư cấu bằng vốn sống, trí tưởng tượng sao cho hai yếu tố ấy cộng hưởng tạo thành nhân vật có dấu ấn riêng. Như nguyên mẫu chú bé An tôi đã nói ở trên. Rồi Tây lùn Bernard là từ hình ảnh một người họ hàng xa. Sư cụ Vô Úy cũng là nhân vật tôi dày công xây dựng thể hiện tinh thần xuyên suốt trong tác phẩm - một con người từ bi, trước thịnh suy không mảy may lo sợ. Hàng loạt chi tiết khác để tạo dựng nên các nhân vật được hình thành từ sự trải nghiệm của biết bao nhiêu người sống quanh tôi. 

- Xin chân thành cảm ơn nhà văn và chúc ông nhiều sức khỏe!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tiểu thuyết hay bật ra từ vô thức con người!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.