Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiểu thương chợ tự phát chấp nhận thuế gấp 20 lần vé để có nơi buôn bán ổn định

Phạm Thị Nết| 19/03/2015 20:15

(HNMO) - Từ rất nhiều năm nay, đoạn đê sông Hồng qua địa phận xã Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội là nơi buôn bán của hàng trăm tiểu thương từ nhiều xã lân cận như Phong Vân, Cổ Đô, Phú Đông và một số xã của huyện Tam Nông, Phú Thọ.


Bà Phùng Thị Trinh, tiểu thương bán đậu 30 năm nay lo lắng khi bán hàng


Gần 4h sáng, các tiểu thương ùn ùn từ các nơi kéo về để nhận chỗ và sắp xếp hàng hóa. Từ các mặt hàng thực phẩm như loại rau, củ, bánh kẹo cho đến quần áo, thuốc chữa bệnh, đồ công nghệ kéo dài dọc theo 40m đường đê, lấn chiếm gần hết lòng đường. Chợ họp 4h đến 9h trên tuyến đường liên xã, đông người qua lại nên gây cản trở và ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn giao thông. Theo lái xe tải Nguyễn Văn Đông, xóm Bãi, Vân Hội, Phong Vân, cho biết: “Tôi rất bức xúc mỗi khi lái xe qua đây, có 40m đường mà nhiều hôm phải mất nửa tiếng mới đi qua được, còi xe inh ỏi mà người ta vẫn thản nhiên mua bán mặc kệ chúng tôi, nhiều người bày hàng ra mặt đường, còi không tránh mà chèn vào thì họ chửi rủa”. Rất nhiều các loại phương tiện lưu thông phải chen chúc nhau, kéo thành hàng dài để dịch chuyển từng vòng xe qua đây với vẻ khó chịu. Tiếng còi inh ỏi, tiếng quát tháo của các chủ phương tiện làm ồn ã cả một vùng quê.

Theo quan sát của PV HNMO, tại chợ, không có người quản lý, không có nơi gửi xe nên tình trạng xe dựng lộn xộn bên lề đường, thậm chí nhiều người vừa ngồi trên xe vừa mua hàng hoặc dựng xe giữa lòng làm đường hẹp thêm hẹp. Nhiều người bị kẻ gian trộm mất xe. Một vài vụ va chạm giao thông nhẹ đã xảy ra nhưng dường như không làm thay đổi thói quen mua bán của người dân ở đây. Chị Bùi Thị Phú, một người bán bánh 30 năm ở đây than vãn: “Người điều khiển xe đi qua xì khói cả vào mặt mũi chúng tôi, ám mùi xăng dầu vào bánh. Có lần tôi suýt bị xe tải đâm vào, sợ lắm nhưng có chỗ bán đâu mà chả phải cố ngồi đây. Không thì biết làm thế nào để sống được”...

Người dân dựng xe ngay giữa lòng đường để mua hàng


Việc họp chợ tự phát cả gần trăm năm nay không chỉ ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường và trật tự xã hội. “Ngày nào gia đình chúng tôi cũng phải ngửi mùi hôi tanh từ rác thải của chợ. Mà có hôm chưa đến 4h sáng mấy người bán hàng còn cãi, đánh lộn nhau để tranh chỗ bán gây náo loạn cả khu dân cư. Đến chính quyền còn không cấm được họ họp chợ thì sức dân làm thế nào” - bà Nguyễn Thị Thu, nhà cạnh chợ phàn nàn.

Mặc dù quen buôn bán ở đây cả mấy chục năm nhưng tất cả các tiểu thương đều mong muốn có một nơi bán hàng an toàn. Họ chấp nhận đóng thuế cao gấp 20 lần so với tiền vé 30.000đồng/tháng như hiện nay và sẽ bán được ít hàng hơn ngồi ngoài lề đường. Theo ông Hoàng Phú Hòa, cán bộ Địa chính-Xây dựng xã Thái Hòa cho biết: “Dự án chợ Trung Hà đã được hoàn thiện nhưng chưa rõ thời gian triển khai do chưa có kinh phí, họp chợ tại đây là thói quen của họ, chúng tôi cấm cũng không được nên đành để vậy”.

Chưa biết đến bao giờ người dân ở đây mới có một nơi làm ăn buôn bán an toàn trong khi miếng cơm manh áo gia đình vẫn đặt nặng trên vai!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiểu thương chợ tự phát chấp nhận thuế gấp 20 lần vé để có nơi buôn bán ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.