Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu thụ dưa hấu: Hiển hiện nhiều mối lo

Hồng Sơn| 09/01/2016 07:31

(HNM) - Mấy năm gần đây, tại các cửa khẩu sang Trung Quốc hay xảy ra tình trạng hàng trăm xe chở dưa hấu đổ về chờ làm thủ tục xuất khẩu sang nước bạn và phải chịu cảnh chờ đợi, mất giá, thậm chí ép giá… gây thiệt hại cho các thương lái vẫn là mối ám ảnh đối với các bên liên quan.


Nhiều bất cập

Dưa hấu là loại nông sản ngắn ngày, dễ canh tác nên thường được đưa vào trồng tăng vụ, xen kẽ với các loại nông sản khác tại một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và Trung Bộ. Chu kỳ sinh trưởng của loại cây này chỉ khoảng 60 ngày nên hứa hẹn mang lại nguồn thu khá tốt cho nông dân. Sản lượng dưa hấu hằng năm của nước ta khoảng 1,5 triệu tấn và dự báo tổng sản lượng dự kiến của mùa vụ 2015-2016 không biến động nhiều, trong đó riêng vụ đông - xuân này ước đạt 550 nghìn tấn.


Xét về kênh tiêu thụ, đến nay 80% lượng dưa hấu được bán ở thị trường trong nước, phần còn lại là xuất khẩu. Trong đó, chủ yếu xuất sang Trung Quốc (90% sản lượng dưa hấu xuất khẩu), Lào, Campuchia. Trong đó, hàng xuất sang Trung Quốc chủ yếu xuất qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Hoạt động xuất khẩu chủ yếu diễn ra vào cận tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch, từ giữa tháng 3 đến trung tuần tháng 4 hằng năm.

Các cơ quan hữu quan tổng kết, sở dĩ dưa hấu có lúc bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn là do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, do thời điểm thu hoạch diễn ra nhanh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu đột ngột. Thực tế đó dẫn đến tâm lý và nhu cầu tiêu thụ dưa càng nhanh càng tốt để đỡ thiệt hại và được giá hơn của các hộ gia đình cũng như thương lái. Đây là lý do đầu tiên dẫn đến sự bị động về đầu ra, trong đó có một kênh tiêu thụ là chuyển dưa lên bán qua biên giới và phải đối diện với nhiều bất lợi, dẫn đến thua thiệt. Cụ thể, do sự hạn chế về mặt bằng, cơ sở vật chất của hệ thống đường sá, bến bãi tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), nên vào lúc cao điểm lượng xe chở dưa lên chờ làm thủ tục lên đến 700-800 xe/ngày. Trong khi đó, đại diện địa phương cho biết, khả năng tiếp nhận của hệ thống này chỉ khoảng 300 xe và "cố" hết sức nhận thêm vài chục xe là hết công suất. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự ùn tắc của đoàn xe chở dưa.

Tiếp đến, phần lớn xe chở dưa lên biên giới đều sắp xếp, bảo quản theo cách thủ công và chủ quan theo ý riêng của thương lái mà chưa đáp ứng tiêu chuẩn, quy định theo tập quán của đối tác Trung Quốc. Từ đó, xảy ra tình trạng phải phân loại, đóng gói lại, dẫn đến mất thời gian, chi phí cũng như làm quá tải về diện tích mặt bằng vốn đã eo hẹp. Trong một số trường hợp, xe chở dưa đợi chờ lâu còn do cơ quan quản lý phía bạn hết giờ làm việc, hoặc xảy ra sự cố bất ngờ nào đó cần giải quyết…

Từ thực tế trên dẫn đến sự thiệt hại đối với hoạt động trồng, tiêu thụ dưa hấu Việt Nam, với một số bất lợi, như bị mất thời gian, để lâu khiến dưa xuống cấp làm mất giá sản phẩm, tăng chi phí dịch vụ liên quan, bị ép giá, thậm chí là "bỏ của chạy lấy người" vì dưa hỏng.

Cần biện pháp đồng bộ

Đại diện Bộ Công thương cho biết, thời điểm dễ xảy ra ách tắc xe chở dưa chỉ kéo dài khoảng 15 ngày, nhưng gây ra sự bị động và khó giải quyết đối với các địa phương trồng dưa cũng như tỉnh Lạng Sơn. Bộ đề nghị kéo dài thời gian làm việc của phòng xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn khi cần thiết, cũng như cải tiến quy trình làm việc để hỗ trợ thông quan hàng; tổ chức các dịch vụ liên quan cung cấp cho chủ hàng để giảm thiểu thời gian, chi phí; nghiên cứu đề nghị phía bạn mở thêm cửa khẩu mới kết hợp tăng cường cơ sở vật chất để tiếp nhận dưa Việt Nam xuất qua biên giới.

Bộ Công thương cũng chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các tỉnh trồng dưa để kịp thời trao đổi thông tin, dự báo về sản lượng và thời điểm thu hoạch nhằm phối hợp hài hòa, tránh tình trạng dồn nén với số lượng lớn vào cùng thời điểm dẫn đến nguy cơ dư thừa cục bộ. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần phát huy hơn nữa khả năng tiêu thụ của hệ thống 750 siêu thị và hơn 8.000 chợ trên phạm vi cả nước để tăng sức tiêu thụ nội địa, sẵn sàng chia sẻ cho kênh xuất khẩu.

Về lâu dài, cần đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng, nhất là sự đồng đều về kích thước, mẫu mã của trái dưa Việt Nam. Trong đó, chú trọng yêu cầu đồng đều về hình thức để được giá cao hơn cũng như ngăn chặn tình trạng bị đối tác chê, loại bỏ. Thời gian tới, sẽ tập trung ưu tiên thông quan dưa hấu trước các mặt hàng khác, chủ động đóng gói hàng theo yêu cầu của đối tác từ trong nước để tiết kiệm thời gian và tránh tình trạng dưa xuống cấp…

Đặc biệt, Bộ Công thương và tỉnh Lạng Sơn đang bàn thảo để sớm triển khai xây dựng khu trung chuyển nông sản xuất khẩu tại tỉnh này, lấy đó làm địa điểm tập kết khi lượng xe dồn về quá nhiều, vượt quá khả năng thông quan. Trong thời gian chưa có khu trung chuyển, tỉnh Lạng Sơn nên chủ động lựa chọn một địa điểm đủ rộng, thuận lợi về giao thông để tập kết xe, hoặc tranh thủ đóng gói hàng trong khi chờ đến lượt làm thủ tục tại cửa khẩu…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiêu thụ dưa hấu: Hiển hiện nhiều mối lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.