(HNM) - Cuối tháng 8 này là thời điểm đánh dấu một năm ra đời Ban vận động thành lập Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (Hiệp hội) và 3 tháng chính thức hoạt động của Hiệp hội kể từ Đại hội lần thứ I (tháng 5-2010). GS Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch Hiệp hội đã trao đổi với Hànộimới về công việc mới mẻ và khó khăn này.
- Thưa GS, ông có suy nghĩ gì khi được bầu là Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam? Với vai trò là Chủ tịch, GS có thể nói một cách dễ hiểu nhất về tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam?
- Ban vận động thành lập Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam hoạt động hai năm thì được Bộ Nội vụ cho phép mở đại hội thành lập. Việc tham gia Hiệp hội với vai trò Chủ tịch với tôi cũng ít nhiều bất ngờ. Thế nào rồi tôi cũng nhận và bắt tay ngay vào việc.
Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam nói dài ra là Hiệp hội của những người nắm quyền sao chép tác phẩm. Ai sao chép tác phẩm của tôi phải trả thù lao cho tôi. Thông thường, tác giả và NXB thương lượng với nhau cho công bố tác phẩm, xác định nhuận bút trả cho tác giả. Sau lần đầu và duy nhất đó, người ta cứ tự tiện sao chép (ví dụ, tái bản, nối bản, sao chụp...) không xin phép tác giả, cũng không trả tiền thù lao. Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam sẽ cộng tác với tác giả và được tác giả ủy quyền để thu số tiền thù lao này. Nói hẳn ra, Hiệp hội cộng tác với tác giả (là hội viên) khai thác giá trị kinh tế (tính bằng tiền) của tác phẩm.
Tác giả vẫn chưa được trả công xứng đáng do vấn đề bản quyền chưa được tôn trọng. Ảnh: Hoàng Hà |
- Thưa GS, theo đánh giá của ông, tình trạng vi phạm quyền sao chép ở nước ta đang ở mức độ nào?
- Ta chưa hình thành được thói quen mua bán sòng phẳng. Người sử dụng tác phẩm nếu trả tiền sòng phẳng như mua bất cứ thứ gì giữa chợ (trên thị trường) thì tư cách đàng hoàng. Còn như cứ lén lút sao chép hay sao chép để thu lợi bất chính, bất hợp pháp, thì sẽ có ngày phải đối diện với luật pháp.
Chúng ta nên quen dần với cơ chế thị trường, phải thuận mua vừa bán. Kể ra, với các sản phẩm vật chất, hàng tươi sống... thì đã quen nghe; còn với các sản phẩm tinh thần văn hóa - tri thức cao siêu mà động đến chuyện thuận mua vừa bán thì… nghe làm sao ấy. Hiệp hội Quyền sao chép sẽ nỗ lực làm cho xã hội phải nghe (dù nghe làm sao ấy!) rồi làm, nên làm, phải làm, làm thật tốt chuyện thuận mua vừa bán đối với các sản phẩm văn hóa - khoa học - giáo dục... Sản phẩm nào mà chẳng do sức lao động làm ra! Đã tiêu dùng sức lao động của người ta thì phải trả thù lao cho người ta. Ngược lại, người ta trả thù lao cho mình (tức là bỏ tiền ra sao chép tác phẩm) thì mình cũng phải làm ra sản phẩm (tác phẩm) xứng đáng.
- Vậy Hiệp hội đã tiên lượng và chuẩn bị hành động trước những khó khăn trong công việc này ra sao, thưa GS?
- Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tập hợp những người liên quan mật thiết với nhau gồm:
1. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, người giữ quyền sao chép tác phẩm của mình, người xưa nay cam chịu cho người ta xâm phạm lợi ích chính đáng của mình, người không dám đòi hỏi lợi ích kinh tế, nếu có ấm ức thì không biết liên kết với nhau mà đòi.
2. Người sử dụng chưa quen bỏ tiền túi ra mua những sản phẩm tinh thần (tác phẩm), coi như của vô chủ giữa trời đất.
3. Nhà chức trách, các cơ quan nhà nước chưa coi việc sao chép tự tiện là gian dối và bất hợp pháp, nên chưa quyết liệt xử lý.
4. Đội ngũ chuyên trách có nghiệp vụ xử lý việc xâm phạm quyền sao chép thì chưa kịp có, chưa kịp được đào tạo.
Tất cả những chuyện đó, tóm lại, là người đời chưa quen sống theo pháp luật và cơ chế thị trường, chưa biết tôn trọng lợi ích cá nhân, còn tác giả thì quen “cao đạo”, ngại đụng đến chuyện tiền nong và khi “ngộ” ra thì chưa biết cách làm. Hiệp hội chính là một cách làm.
- Thưa GS, trong hai mảng lĩnh vực lớn là văn hóa-nghệ thuật; khoa học-giáo dục, Hiệp hội hiện đã nhận được sự quan tâm của các tác giả nhiều hơn ở lĩnh vực nào?
- Về văn hóa - nghệ thuật, chăm lo quyền sao chép đã có vài tổ chức lẻ tẻ (Hội nhà văn, Hội nhạc sĩ...). Nay đã có giấy phép Bộ Nội vụ cấp cho việc thành lập Hiệp hội các tác giả văn hóa - nghệ thuật - khoa học – giáo dục sắp mở đại hội thành lập. Các hội viên hội này sẽ ủy quyền cho Hiệp hội Quyền sao chép thu tiền thù lao về sao chép tác phẩm của mình (sau khi tác phẩm đã xuất bản và đã có mặt trên thị trường).
- Cuối cùng, xin GS chia sẻ những hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới nhằm bảo vệ quyền tác giả trong các lĩnh vực trên?
- Sau vài ba năm nữa thì Hiệp hội có thể thu tiền thù lao, đòi được từ những người sử dụng tác phẩm, đem trả lại cho tác giả (80% số tiền thu được). Trước mắt, chừng một năm, Hiệp hội làm công tác chuẩn bị về tổ chức, văn kiện, nhân sự, đặc biệt là công tác tuyên truyền về “quyền sao chép”. Năm sau, ký hợp đồng tác giả ủy quyền cho Hiệp hội, thu tiền thù lao, trong nước và ở nước ngoài (cộng tác với các Hiệp hội quyền sao chép nước sở tại). Năm thứ ba thì bắt đầu thu được tiền thù lao về sao chép.
Tôi xin cảm ơn Báo Hànộimới đã tạo cơ hội cho tôi thưa với công luận rộng rãi những việc cấp thiết và cốt lõi nhất của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam.
- Xin chân thành cảm ơn GS!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.