Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu chí quan trọng nhất vẫn là công, dung, ngôn, hạnh

Hoàng Lân| 01/08/2011 12:47

(HNMO) – Cuộc thi Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2011 đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cấp phép tổ chức, dự định diễn ra vào cuối năm nay.

Quý bà Kim Hồng là người để xuất và lên kế hoạch tổ chức cuộc thi Hoa hậu Dân tộc Việt Nam


Nghiêm túc thẩm định nhân thân của thí sinh

* Năm nay, Việt Nam chỉ có một cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc gia được tổ chức, đó là Hoa hậu Dân tộc Việt Nam lần thứ 2, vì thế chắc chắn sẽ được công chúng để ý nhiều hơn. Điều này có là áp lực đối với chị?

- Rất may là tôi từng tham gia tổ chức một số cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế và quốc gia rồi nên đến giờ cũng gom góp cho mình không ít kinh nghiệm trong khâu tổ chức. Năm 2009, tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam, sau đó nằm trong Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà thế giới… những bài học kinh nghiệm từ các cuộc thi này lớn lắm, đã giúp cho tôi thêm tự tin vào lần tổ chức này. Vừa qua, tôi cũng được mời tham gia với vai trò giám khảo một cuộc thi sắc đẹp ở Mỹ, trong vai trò này tôi cũng học hỏi và tích lũy thêm được những bài học trong khâu tổ chức.

* Đến thời điểm này, BTC đang nhận hồ sơ dự tuyển của các thí sinh, khó khăn mà chị đang phải đối mặt là gì?

- Tổ chức cái gì thì cũng có những khó khăn nhất định. Ở cuộc thi Hoa hậu Dân tộc năm nay, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong khâu kêu gọi các thí sinh tham gia. Giờ đang là thời điểm nghỉ hè, học sinh, sinh viên các trường đều đang nghỉ cả nên hồ sơ gửi dự thi vẫn chưa nhiều như mong muốn của BTC. Hiện tại, chúng tôi mới nhận được hơn 100 hồ sơ của hơn 10 dân tộc trong nước, nhiều nhất vẫn là người Kinh.

BTC đã có kiến nghị để Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc đẩy mạnh thêm công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ có trình độ, sắc đẹp dự thi. Sắp tới, vào khoảng tháng 9 cũng có cuộc thi Thời trang dân tộc được tổ chức, chúng tôi sẽ tuyển chọn những thí sinh đoạt giải cao trong cuộc thi này có đủ tiêu chí về hình thể, trình độ để dự thi Hoa hậu Dân tộc.

Khó khăn thứ 2 và là vấn đề muôn thuở chúng tôi gặp phải là tài trợ. Chúng tôi rất mong mỏi các mạnh thường quân nhìn vào ý nghĩa của cuộc thi để đồng hành cùng chúng tôi trong công việc tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ các dân tộc Việt Nam.

Bà Kim Hồng trao vương miện cho Hoa  hậu Quý bà Việt Nam 2009 Hoàng Thị Yến


* Cuộc thi Hoa hậu Dân tộc lần đầu tiên tổ diễn ra tốt đẹp từ đầu cho đến khi kết thúc, nhưng sau đó lại gặp những lùm xùm về việc Á hậu Trương Thị May bị tố không phải là dân tộc như đăng ký. Lần này chị có sợ, kịch bản sẽ tái diễn?

- Lần thi trước, chúng tôi đã phải mời công an vào cuộc để điều tra lý lịch nhân thân của thí sinh và cuối cùng mọi việc cũng được làm rõ. Không có thí sinh nào làm sai quy chế cả. Trong hồ sơ của các thí sinh đều đăng ký dân tộc của mình, có thí sinh là lai giữa hai dân tộc, bố là người Chăm mẹ là người Kinh nên có thể trong hồ sơ đăng ký và giấy tờ chứng minh thư của cô ấy bị lệch, nhưng xét về gốc gác thì cô ấy là người dân tộc. Thật ra, điều này cũng không phải là quá quan trọng, bởi xét cho cùng thì dân tộc nào cũng có quyền dự thi, dù cô ấy là người Kinh hay là người H’mông.

Dù vậy, để tránh những rắc rối không đáng có trong cuộc thi này, chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định lại nguồn gốc của thí sinh. Các thí sinh tự đăng ký vào hồ sơ và trải qua vòng sơ tuyển nhưng trước khi vòng chung kết diễn ra, chúng tôi sẽ nhờ Ủy ban dân tộc gửi hồ sơ của các thí sinh về từng địa phương để xác nhận lại một lần nữa nguồn gốc của họ. Điều này cũng là để tránh những lùm xùm, cãi vã thậm chí là có người mượn cớ để dựng chuyện, gây sự mà thôi.

Bà Kim Hồng cũng từng được mời làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quý bà Mỹ



* Các cuộc thi sắc đẹp gần đây, lần nào tổ chức cũng gặp không ít scandal khiến cho công chúng rất thất vọng, bản thân chị nghĩ gì về điều này?

- Tôi không muốn nghĩ đến những điều xấu trước khi tổ chức cái gì đó. Chúng ta hãy dẹp bỏ những suy nghĩ chưa tốt để hướng tới cái đẹp hơn ở phía trước. Hiện tôi chỉ đang nghĩ làm thế nào tổ chức cuộc thi Hoa hậu Dân tộc lần thứ 2 thật tốt và suôn sẻ.

Đề cao đức tính Công – Dung – Ngôn - Hạnh

* Trong lần tổ chức đầu tiên, chị luôn có mặt đồng hành cùng các người đẹp trong mọi phần thi phụ, từ chơi thể thao, đánh gôn, cầu lông, chạy bộ, bơi cho đến những phần thi đòi hỏi sự khéo léo. Lần này sẽ thế nào?

- Lần tổ chức đầu tiên, có lẽ là tôi khá hồn nhiên khi tham gia cùng các thí sinh vì lúc đó mình nghĩ rằng như vậy là sẽ động viên được tinh thần và hướng dẫn cho các em tỉ mỉ hơn. Nhưng lần này tôi sẽ không tiếp cận trực tiếp với các thí sinh nữa, một phần vì tôi nằm trong Ban tổ chức khá bận rộn, phần khác là cũng để đảm bảo tính khách quan, tránh những dị nghị không đáng có.

Hoa hậu Dân tộc 2007 Hoàng Nhung


* Nhiều người cho rằng, lần tổ chức đầu tiên ở Đà Lạt chị quá ôm đồm cho thí sinh tham gia nhiều phần thi từ chơi thể thao, cưỡi ngựa cho đến thi hát, nấu ăn, cắm hoa, múa, nhảy… khiến cho những hoạt động bên lề bị loãng. Lần này chị có thay đổi?

- Tôi luôn quan niệm đã là người phụ nữ Việt Nam có đẹp đến mấy thì quan trong nhất vẫn là các đức tính Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Vì thế, về cơ bản tôi vẫn giữ nguyên các phần thi cắm hoa, múa, hát, thể thao… Chỉ trừ có phần nấu ăn thì chúng tôi sẽ bỏ, không phải vì sợ tốn kém mà vì mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc trưng, để làm được nó thì phải có những nguyên liệu của từng địa phương. Chúng tôi sợ là không thể chuẩn bị chu đáo được phần này nên không xếp vào danh sách dự thi nữa.

* Vậy đâu là điểm nhấn quan trọng của cuộc thi Hoa hậu Dân tộc lần thứ 2, chưa chị?

- Các cuộc thi sắc đẹp luôn có những phần thi cố định như Trang phục áo dài, áo tắm, trang phục dạ hội, ứng xử… Ở cuộc thi Hoa hậu Dân tộc, chúng tôi đề cao phần thi trạng phục dân tộc. Các thí sinh sẽ phải tự chuẩn bị phần này và nó sẽ thể hiện ý thức, văn hóa và trình độ của mỗi thí sinh trong việc giới thiệu bộ trang phục dân tộc mà mình lựa chọn và mặc. Còn ở những phần thi khác, chúng tôi có các nhà thiết kế và các chuyên gia trang điểm, làm tóc giúp thí sinh.

* Nếu thí sinh có điều kiện muốn tự mình chuẩn bị hết, liệu BTC có làm khó cho thí sinh?

- Một số phần thi bắt buộc thí sinh phải mặc đồ của BTC như trình diễn trang phục áo tắm, áo dài. Chúng tôi mời NTK Ngô Nhật Huy thiết kế áo dài, áo tắm là của thương hiệu Xuân Thu, đầm dạ hội là của Sơn Collection, làm tóc trang điểm là chuyên gia Tuấn Hà Lan. Khi cùng mặc một bộ đồ của một NTK và cùng do một chuyên gia trang điểm, làm tóc thực hiện thì khán giả mới có sự so sánh đúng hơn. Còn ở những phần thi khác như trang phục dạ hội, nếu thí sinh có điều kiện thì có thể tự chuẩn bị, nhưng phải thông báo trước cho BTC.

* Chị có mối quan hệ rất thân thiết với các tổ chức sắc đẹp thế giới, bản thân lại cũng có tình thân với một số người đẹp nước ngoài từng đăng quang. Chị sẽ mời những nhan sắc thế giới về dự cuộc thi này để tăng sự thu hút cho cuộc thi chứ?


- Tôi đang lên kế hoạch cho việc đó. Trong số những vị khách tôi định mời, dự kiến sẽ có ông David Z. Marmel - chủ tịch và là người sáng lập cuộc thi Hoa hậu quý bà Mỹ và Hoa hậu quý bà thế giới. Ông ấy rất có ảnh hưởng tới các cuộc thi sắc đẹp thế giới, lần trước ông ấy sang Việt Nam và rất ấn tượng với khâu tổ chức của Việt Nam cho cuộc thi Hoa hậu Quý bà 2009.

Nhiều khả năng, hoa hậu Quý bà 2009 người Nga Victoria Radochinskaya sẽ trở lại Việt Nam có mặt trong đêm chung kết Hoa hậu Dân tộc VN 2011


Người thứ 2 là Hoa hậu Quý bà 2009 Victoria Radochinskaya, cô ấy là người Nga và đăng quang trong cuộc thi Hoa hậu quý bà lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh những vị khách mời quốc tế này thì Hoa hậu Dân tộc 2007 Hoàng Nhung sẽ xuất hiện. Vừa qua, Nhung đã gọi điện cho tôi bày tỏ sự hồ hởi khi được xuất hiện trở lại và đồng hành cùng cuộc thi Hoa hậu Dân tộc 2011.

* Cám ơn chị về cuộc nói chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chí quan trọng nhất vẫn là công, dung, ngôn, hạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.