Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu chí mới, mối lo cũ

Thu Trang| 19/12/2013 06:08

(HNM) - Nếu áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viên do Bộ Y tế mới ban hành thì đa số chỉ đạt ở mức trung bình.

Nhiều thách thức

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay cả nước có khoảng 171.100 giường bệnh ở hệ thống các cơ sở y tế, đạt tỷ lệ 22,5 giường bệnh/10.000 dân. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, như: Thái độ phục vụ, ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế; thời gian, thủ tục KCB rườm rà; quản lý hành nghề y tư nhân nhiều địa phương còn chưa kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, tình trạng quá tải BV, vấn đề chất lượng xét nghiệm dẫn đến việc không công nhận kết quả xét nghiệm giữa các BV, tình trạng lạm dụng một số thuốc... đang là thách thức của hệ thống cơ sở y tế.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là đòi hỏi cấp thiết nhất hiện nay của ngành y tế. Ảnh: Tuấn Vũ


Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng BV. Lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV, trong đó có các tiêu chí "sát sườn" và đáp ứng được mong mỏi của người bệnh, như: Được chỉ dẫn rõ ràng, được đón tiếp chu đáo, chăm sóc tận tình, được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ, được tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, sử dụng thuốc an toàn và hợp lý, được nộp viện phí minh bạch, thủ tục thanh toán nhanh gọn…

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, với Bộ tiêu chí mới, các yếu tố đánh giá sẽ gắn với người bệnh, chất lượng chuyên môn, chất lượng nhân lực. Theo đó, Bộ tiêu chí gồm 5 phần với 83 tiêu chí, trong đó có 19 tiêu chí hướng đến người bệnh, 14 tiêu chí hướng đến phát triển nguồn nhân lực, 38 tiêu chí liên quan đến chất lượng chuyên môn, 8 tiêu chí về cải tiến chất lượng và 4 tiêu chí đặc thù chuyên khoa. Bộ Y tế kỳ vọng, việc đánh giá chất lượng BV theo tiêu chí mới sẽ từng bước cải tiến chất lượng dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng KCB.

Nhưng, với Bộ tiêu chí này, nhiều đại biểu cho rằng, nếu đánh giá BV theo 5 thang điểm: Yếu kém, trung bình, khá, tốt và rất tốt thì cao nhất BV nước ta mới đạt ở mức… trung bình.

Tiêu chí cao, khó thực hiện

Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, các tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra tương đối cao, có những tiêu chí thừa, những tiêu chí chưa đạt. Ví như tiêu chí đề cập đến việc các BV chuyển thuốc tự động đến tận khoa, phòng, hiện ở Việt Nam chưa có BV nào làm được điều này. Ngay bây giờ, muốn thực hiện được những tiêu chí trên, các BV phải phấn đấu đến mức tối đa.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, kể cả khi có Bộ tiêu chí và Thông tư hướng dẫn rõ ràng nhưng nếu cơ sở vật chất, nguồn nhân lực không đáp ứng thì các BV không thể thực hiện được. Muốn nâng cao chất lượng điều trị thì phải tập trung vào ba yếu tố, đầu tiên là cải thiện cơ sở vật chất, tiếp đến là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bảo đảm định mức lao động/giường bệnh. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa là công tác quản lý điều hành. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý điều hành cũng còn bất cập. Nhiều lãnh đạo BV chưa được đào tạo cơ bản trong quản lý điều hành. Trong hệ thống BV công, người quản lý phải làm từ công việc chuyên môn đến lãnh đạo BV nên không còn thời gian nghiên cứu làm thế nào điều hành BV khoa học, hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Chúng ta phải minh bạch hóa tiền viện phí, làm sao thu của người dân 10 đồng thì người dân phải biết 10 đồng đấy được chi trả như thế nào, bảo hiểm chi cho họ bao nhiêu. Hiện nay Bộ Y tế đang phát động "Người Việt dùng thuốc Việt", do đó làm sao có loại thuốc phù hợp, chi phí thấp nhất cho người bệnh. Không để người dân phải rơi vào "mê hồn trận" với các loại thuốc… Chúng ta phải nhìn nhận công việc, sự việc bằng tất cả trách nhiệm, lương tâm, vì vậy phải tư duy khoa học để tìm ra những giải pháp tốt nhất".

Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) Delphine Malard, cho biết: Tổ chức này đã đồng ý cung cấp thêm 114 triệu euro cho ngành y tế Việt Nam đến năm 2017. EU cam kết giúp đỡ Việt Nam trong nỗ lực hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế. Thông qua đó, EU muốn giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế có chất lượng, không chỉ ở BV mà cả ở các trạm y tế xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chí mới, mối lo cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.