(HNMO) - Giải trình trước Quốc hội chiều 15-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết năm 2020.
“Mặc dù thời gian qua, kỷ luật, kỷ cương tài chính đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, đúng như đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) đã nêu, trong các lĩnh vực quản lý về đầu tư, quản lý sử dụng đất tai, tài sản công, tài chính ngân sách ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở trung ương và các địa phương”, Bộ trưởng thừa nhận.
Năm 2018, ngành tài chính thực hiện 99.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 64,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế xử lý tăng thu NSNN gần 18.000 tỷ đồng, giảm lỗ 37,4 nghìn tỷ đồng.
Thông tin về giải pháp điều hành ngân sách năm 2020, Bộ trưởng nêu, do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và thu chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2020.
Bộ Tài chính đã chủ động kết hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành, đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Dự báo thu ngân sách năm 2020 không đạt dự toán Quốc hội quyết định
Trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng kinh tế của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính đưa ra đánh giá tác động của cân đối NSNN. Kết quả, thu NSNN 5 tháng đầu năm 2020 đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ (là mức rất thấp từ năm 2014 đến nay). Dự báo thu NSNN năm 2020 khả năng không đạt dự toán Quốc hội quyết định.
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách cả Trung ương và địa phương phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi.
“Chúng tôi dự kiến, trường hợp tăng trưởng GDP năm nay là 4,5% thì bội chi NSNN khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng khoảng 75.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm và nợ công lúc này sẽ là 55,5%; trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6% thì bội chi NSNN khoảng 5,02% GDP, tương ứng với tăng 90.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm và nợ công lúc này khoảng 56,4% GDP”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, với cả hai kịch bản tăng trưởng này, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP và nợ công nhỏ hơn 65% GDP, đáp ứng các Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội.
Trước tình hình sản xuất kinh doanh, cân đối thu chi ngân sách còn khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, công tác điều hành NSNN từ nay đến cuối năm cần chú ý triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh bảo đảm an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; bảo đảm nhịp sống, sinh hoạt bình thường của người dân trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh; đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu thu ngân sách đạt mức cao nhất.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, rà soát cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong, ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Thông tin đến một số đại biểu về trách nhiệm của Tổng cục Hải quan trong xuất khẩu gạo thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, căn cứ các quy định về thực hiện phương thức khai hải quan điện tử; tiếp nhận kiểm tra, đăng ký xử lý tờ khai hải quan 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, xuất khẩu trong giao dịch đối với các đối tác nước ngoài ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, cho phép người khai hải quan được đăng ký 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần.
“Từ khi hệ thống đi vào hoạt động, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống trước thời điểm 0h sẽ được tự động áp dụng từ 0h ngày tiếp theo. Ví dụ biểu thuế xuất khẩu, tiêu chí quản lý rủi ro, tranh chấp doanh nghiệp xuất khẩu, cấm nhập khẩu đối với doanh nghiệp xuất khẩu tại thời điểm 0h là điều không có gì xa lạ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ngày 11-4, cơ quan Hải quan cho xuất khẩu gạo hạn ngạch 400.000 tấn theo quyết định của Bộ Công Thương đúng theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.