Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiết kiệm, tinh gọn, hiệu quả !

Bình Minh| 27/01/2010 08:00

(HNM) - Sau 9 tháng TP Hồ Chí Minh thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, UBND các cấp đã bước đầu khẳng định vai trò điều hành quản lý mọi mặt, duy trì phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng.


Tại hội thảo đánh giá kết quả ngày 25-1, nhiều ý kiến các chuyên gia đã đóng góp nhằm hoàn thiện quy trình thực hiện quyền làm chủ của người dân và chức năng giám sát, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tập trung dân chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Tinh gọn bộ máy, chống chạy chức, chạy quyền…

Đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh khảo sát tình trạng ô nhiễm tại một khu công nghiệp.


Đánh giá hoạt động của UBND các cấp khi không còn tổ chức HĐND, kết quả khảo sát của nhóm chuyên gia nghiên cứu phản biện và các đại biểu cùng thống nhất quan điểm: mô hình thí điểm không làm thay đổi nhiều cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của UBND, nhìn chung vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước mà giảm bớt thủ tục, lượng văn bản nghị quyết HĐND, rất phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính.

Không còn HĐND cấp quận, huyện, phường, việc "bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm" chức danh chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND các cấp tương ứng chuyển sang quy trình "bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức". Các quận 1, 6, 12, Phú Nhuận, Bình Tân… đánh giá quy trình bổ nhiệm vẫn khách quan, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo và tập trung dân chủ (chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND cấp dưới). Đồng thời, các bước quy trình phê chuẩn nhân sự được giảm gọn, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi công tác điều động, luân chuyển cán bộ; nâng cao trách nhiệm, tăng thẩm quyền tự quyết cho chủ tịch UBND cấp trên chọn lựa cán bộ có khả năng chuyên môn, phẩm chất chính trị tốt hơn.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II cũng có ý kiến phản biện, lo ngại với cơ chế bổ nhiệm tập trung khá lớn quyền hạn của chủ tịch UBND cấp trên chọn lựa cán bộ cấp dưới, nếu quy định không chặt chẽ và không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm thì có thể xảy ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền, thiết lập "ê kíp" cục bộ, địa phương chủ nghĩa.

Có thể thấy rằng, thời gian thí điểm vừa qua, việc sắp xếp bộ máy ở TP không phức tạp, không nảy sinh những vấn đề khó giải quyết do không có sự thay đổi lớn về nhân sự (21 chủ tịch được bổ nhiệm là người đương nhiệm, chỉ có 3 chủ tịch UBND là người mới). Do đó, việc xem xét, đánh giá quy trình bổ nhiệm cần được tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, chặt chẽ để có kết luận phù hợp, hoàn thiện hơn, ngăn ngừa tiêu cực và phát huy hiệu quả cơ chế trong thực tế.

Cơ chế thực hiện quyền dân chủ và giám sát

Vai trò "cầu nối" thông tin (HĐND) giữa chính quyền cơ sở với người dân được ông Huỳnh Thành Lập, Phó Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chủ động nhận trách nhiệm. Theo đó, việc tiếp nhận thông tin và xử lý kiến nghị của cử tri trên địa bàn quận, huyện, phường sẽ thông qua hoạt động của HĐND cấp TP. Trong đó, các tổ đại biểu phối hợp với UBND và ban thường trực ủy ban, MTTQ Việt Nam địa phương thực hiện tiếp dân tại đơn vị bầu cử (hiện chỉ mới làm được ở một số quận, huyện). Thời gian qua, HĐND TP đã rất nỗ lực, tăng cường hoạt động tiếp dân ở địa phương, tiếp xúc cử tri, ghi nhận phản ánh kịp thời, tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát ý kiến của nhóm nghiên cứu có 100% phiếu trả lời cho rằng, khi không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường thì cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở địa phương phù hợp nhất là MTTQ và các thành viên MTTQ (Hội Luật gia, Hội Người Hoa…). Điển hình là kinh nghiệm ở phường 16, quận 11 là địa bàn có nhiều người gốc Hoa sinh sống nên UBND phường chủ trương phối hợp, kết nối với các hội, sở trong cộng đồng người Hoa hỗ trợ chính quyền trong việc tiếp nhận thông tin và giải quyết kiến nghị của dân.

UBND quận, huyện, phường cũng là kênh quan trọng, có nhiều cách tiếp nhận và xử lý kiến nghị cho người dân. Cụ thể, huyện Bình Chánh tổ chức đối thoại với trưởng ấp - khu phố, tổ dân phố - tổ nhân dân; UBND phường Tân Thới Hiệp, quận 12 tiếp nhận thông tin qua hội nghị nhân dân tổ dân phố. Đặc biệt, ở phường 16, quận 11, quy chế chủ tịch, phó chủ tịch UBND định kỳ trực tiếp xuống tiếp dân thay cho vai trò HĐND còn tỏ rõ ưu thế vì có thể trả lời ngay, giải quyết thắc mắc nhanh hơn, được người dân ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Kích - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế, Hội Luật gia Việt Nam lo ngại: Có "khoảng trống" trong việc giám sát công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị của cử tri không và ông đề nghị có cơ chế "lấp đầy"? Vấn đề này được ông Huỳnh Thành Lập khẳng định: Quyền giám sát của người dân vẫn được thể hiện qua vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, của thường trực các ban và đại biểu HĐND TP. Bên cạnh đó còn có vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể cùng cấp. Và thực tế là trong thời gian thí điểm, các tổ chức trên đã tăng cường số cuộc giám sát, bảo đảm thực hiện cơ chế phản biện xã hội; những hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tạo điều kiện để người dân chủ động thực hiện "quyền lực nhân dân".

TP Hồ Chí Minh là địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND trên toàn bộ 19 quận, 5 huyện và 259 phường. Kết quả thí điểm từ TP Hồ Chí Minh bước đầu có kinh nghiệm nhằm góp phần hoàn thiện quy trình để nhân rộng trong cả nước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm, tinh gọn, hiệu quả !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.