Góc nhìn

Tiết kiệm nguồn lực cho dân

Hà Trang 11/07/2023 - 06:23

Nhiều năm nay, các bệnh viện trong cả nước đã triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu nhằm phục vụ người dân có điều kiện về kinh tế khi đăng ký khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn khám, chữa bệnh theo yêu cầu chiếm từ 5 đến 10% tại các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh, còn ở tuyến huyện hầu như không có. Dịch vụ khám, chữa bệnh cũng mỗi nơi một giá, không thống nhất vì chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể bằng luật về thực hiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Trước đây, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn phòng dịch vụ theo yêu cầu và khung giá dịch vụ theo yêu cầu, trong đó quy định giá khám bệnh theo yêu cầu (sử dụng tài sản công để làm dịch vụ) không vượt quá 500.000 đồng/lượt khám, giá giường bệnh từ 1,3 đến 4 triệu đồng/ngày/giường. Vì chưa phải là những quy định pháp luật mang tính bắt buộc, nên các bệnh viện vẫn đang áp dụng theo hướng dẫn, có nơi giá khám theo yêu cầu cao hơn cả giá trần trong khung hướng dẫn...

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 29-6-2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp. Đây là cơ sở, là hành lang pháp lý quan trọng để bệnh viện công lập dựa vào đó ban hành xây dựng giá khám, chữa bệnh, giá kỹ thuật.

Bộ Y tế khẳng định bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh này chỉ áp dụng cho đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu, không tác động đến đối tượng khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh không theo bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Sau khi đã có Thông tư số 13/2023/TT-BYT, việc trước mắt là các cơ sở khám, chữa bệnh cần khẩn trương triển khai thực hiện và xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật. Từ đó quản lý chặt chẽ và tốt hơn vấn đề cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ được tái đầu tư để tiếp tục đầu tư, phát triển kỹ thuật, tạo điều kiện huy động ngân sách nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn không thu hút được nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện chính sách về y tế cơ sở.

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao. Thậm chí, một bộ phận người dân đã đi nước ngoài để khám, chữa bệnh, khiến chúng ta phải tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn.

Cùng với làm tốt công tác khám, chữa bệnh thông thường, khi các bệnh viện công thực hiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu tốt, người dân không phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước.

Thực tế cho thấy, chuyên môn bác sĩ bệnh viện tuyến cuối của Việt Nam không thua kém thế giới, nhưng hiện tại chưa phát huy hết tiềm năng. Thông tư số 13/2023/TT-BYT ra đời cho phép các bác sĩ, cán bộ y tế phát huy hết khả năng của mình để cống hiến phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân tốt nhất.

Ngoài ra, Thông tư số 13/2023/TT-BYT cũng có quy định cụ thể cho phép cơ sở y tế công lập có thể thực hiện hợp tác công - tư, liên doanh - liên kết, hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài với các chuyên gia y tế nước ngoài để khám, chữa bệnh cho người dân trong nước.

Đây là điểm mới tạo điều kiện cho các bệnh viện vừa mời các chuyên gia nước ngoài khám, chữa bệnh cho người dân, vừa học được kinh nghiệm các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để phục vụ người bệnh tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm nguồn lực cho dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.