(HNMO) - Chiều 18-6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì họp báo.
Một trong những nội dung được báo chí quan tâm tại họp báo là mới đây Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học.
Trả lời nội dung này, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 2/2021/TT-BNV ngày 11-6-2021 “Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư” (có hiệu lực từ ngày 1-8-2021), trong đó chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức hai chuyên ngành này.
Theo ông Nguyễn Tư Long, qua phản hồi của dư luận, đặc biệt là đội ngũ công chức ngành hành chính, cho thấy sự hưởng ứng, tán đồng đối với quy định mới này. Đây là thực hiện chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp thì cũng phải cắt giảm thủ tục hành chính, quy định rườm rà với đội ngũ công chức, viên chức, để giảm áp lực về những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết, chứ không phải với những văn bằng, chứng chỉ không cần học.
“Chúng ta đang quản lý theo định hướng vị trí việc làm, giảm văn bằng, chứng chỉ, cũng có nghĩa với vị trí nào thì tương ứng trình độ phải đáp ứng. Ví dụ, vị trí việc làm không cần trình độ tiếng Anh nhưng vẫn bắt đi học thì rõ ràng dẫn đến hệ quả là mua văn bằng, chứng chỉ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả…”, ông Nguyễn Tư Long nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Tư Long, hiện chưa có tính toán cụ thể về lợi ích kinh tế, nhưng tính tổng thể, nếu một văn bằng, chứng chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng, đội ngũ công chức có khoảng 300.000 người, trong đó khoảng 200.000 người phải học hoàn thiện, thì ước tính có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể thời gian, chi phí xã hội trong quá trình đi học.
Còn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thông tin, việc nhiều văn bằng, chứng chỉ, Bộ Nội vụ đã phát hiện được từ trước đây, qua đó đã rà soát, tính toán kỹ lưỡng xem lĩnh vực nào cần giảm chứng chỉ để tránh việc trùng lặp, không hiệu quả. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương để rà soát kỹ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.