(HNM) - Hơn 7 tháng sau khi Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo có hiệu lực thi hành, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nội đã cho trên 19.000 hộ dân vay với số tiền gần 400 tỷ đồng.
Đây là một cú hích, tiếp sức cho hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để chương trình thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi vẫn cần có cơ chế đặc thù.
Ba Vì là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm xấp xỉ 10% tổng số hộ toàn huyện. Cá biệt như xã Ba Vì, số hộ nghèo và cận nghèo lên tới trên 30%. Đây thực sự là một áp lực lớn đối với chính quyền địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới. Ông Đỗ Quang Trung, Phó phòng LĐ,TB&XH huyện Ba Vì cho biết: Người nông dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi dịch bệnh ngày càng nhiều; sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị thấp rất cần được trợ giúp vay vốn để phát triển sản xuất. Vì vậy, chương trình cho vay cận nghèo thực sự đã thổi một luồng sinh khí cho những người dân khó khăn nắm lấy cơ hội thoát nghèo bền vững.
Tiếp cận với những hộ cận nghèo đã được vay vốn khu vực ngoại thành Hà Nội mới thấy được niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi đón nhận chính sách ưu đãi này. Gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là một trong những hộ điển hình vượt khó nhờ đồng vốn chính sách. Trước đây, gia đình chị thuộc diện nghèo, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng. Nhờ được vay vốn ưu đãi nên gia đình đã thoát nghèo vào năm 2012. Trong ngôi nhà ngăn nắp, đã có thêm một vài vật dụng mới, chị Liên cho biết: "Tôi đã được NHCSXH huyện cho vay vốn để nuôi 2 con học đại học và phát triển chăn nuôi, giúp gia đình trụ vững và thoát nghèo. Tháng 7 vừa qua, gia đình tiếp tục được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi cho hộ cận nghèo để mua thêm một con bò sữa nên đã có thu nhập 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống của gia đình thay đổi từng ngày.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc Trần Thế Huy cho rằng: "Những hộ cận nghèo trên địa bàn xã đang cần một "chiếc phao" mới để không tiếp tục tái nghèo. Hiện xã có 74 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo trên tổng số 3.200 hộ. Với sự ra đời, triển khai nhanh chóng của chương trình cho vay cận nghèo, chúng tôi kỳ vọng năm 2014, số hộ cận nghèo sẽ giảm được một nửa". Tuy nhiên, ông Huy cũng cho rằng, mức đầu tư cho vay 30 triệu đồng/hộ cận nghèo, bằng mức cho vay hộ nghèo là thấp, lãi suất cho vay bằng 120% lãi suất hộ nghèo trong điều kiện mặt bằng lãi suất chung đang giảm cũng chưa phù hợp. Mong muốn của các hộ cận nghèo là Chính phủ nên hạ lãi suất cho vay hộ cận nghèo xuống bằng chương trình cho vay giải quyết việc làm, đồng thời nâng mức cho vay từ 30 triệu đồng lên 40 đến 60 triệu đồng/hộ. Có như thế các hộ mới có điều kiện cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc NHCSXH TP, bà Đỗ Thanh Hiền cho rằng: Mặc dù thành phố đã bố trí 850 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH TP cho vay ưu đãi, tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của người dân vẫn chưa được đáp ứng bởi Hà Nội có tới 401 xã với trên 42.000 hộ cận nghèo. Hiện mới chỉ có 30% hộ cận nghèo được vay vốn do tổng nguồn vốn cho chương trình còn hạn chế. Vì vậy, việc ban hành cơ chế mới nhằm tạo lập nguồn vốn lâu dài, bền vững là hết sức quan trọng và cần thiết. Do đó, ngân hàng đã tham mưu cho UBND TP có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp ngân sách thành phố chưa bố trí được vốn thì giao NHCSXH TP huy động nguồn vốn để thực hiện các chương trình của địa phương. Thành phố sẽ bố trí ngân sách của địa phương cấp bù lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH. Hy vọng năm 2014, NHCSXH TP sẽ huy động ngoài ngân sách khoảng 200 tỷ đồng, bổ sung vào nguồn vốn cho vay cận nghèo. Đây sẽ là một cơ chế đúng, hợp lòng dân giúp các hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.