(HNMCT) - Khi đọc thông tin về việc “Huấn hoa hồng” - một “giang hồ mạng” tên thật là Bùi Xuân Huấn - lấy video từ chương trình thời sự của VTV rồi ghép hình ảnh của mình vào và đưa lên mạng xã hội, rất nhiều bạn đọc vô cùng phẫn nộ.
Cụ thể, Bùi Xuân Huấn đã lấy video từ chương trình Chuyển động 24h được phát sóng vào tối 17-10 (nói về việc các nghệ sĩ đi làm từ thiện tại miền Trung) rồi ghép hình ảnh của mình vào, sau đó đăng tải trên fanpage cá nhân. Trong video được làm giả, hình ảnh ca sĩ Mỹ Tâm trao quà hỗ trợ cho người dân được thay bằng hình ảnh của Huấn. Sau khi thông tin trên lan truyền trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc. “Huấn hoa hồng” đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, và chắc chắn đối tượng này sẽ bị xử lý nghiêm.
Vụ việc của “Huấn hoa hồng” chỉ là một trong nhiều trường hợp tung tin giả, mạo danh người khác để trục lợi thông qua mạng xã hội. “Giang hồ mạng” có nhiều chiêu thức lừa gạt người xem như chèn logo của các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông uy tín, cắt ghép hình ảnh từ các chương trình thời sự rồi lồng nội dung sai sự thật hoặc ghép hình, chèn tiếng như cách mà "Huấn hoa hồng” vừa thực hiện... Đáng tiếc, nhiều người đã tin vào những "bản tin” bịa đặt như vậy. Thậm chí, họ đặt lòng tin vào những người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn tự vỗ ngực xưng mình là “thầy”, là “đại ca thay trời hành đạo”... với những lời lẽ rao giảng và những thông tin tiểu sử hoành tráng mà họ tự dàn dựng. Và thực tế đã có nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra khi niềm tin bị đặt sai chỗ.
Vì vậy, bên cạnh việc cần xử lý nghiêm đối với cá nhân “Huấn hoa hồng”, điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục mạnh tay hơn với những hành vi tạo dựng tin tức giả trên mạng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.