Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển

Lan Hương| 10/09/2013 16:38

(HNMO)- Chiều 10-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện KTXH 8 tháng đầu năm, dự toán ngân sách, đổi mới sắp xếp DNNN.

Tham dự tại hội nghị về phía Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Ngô Thị Doãn Thanh… cùng đông đảo các đại biểu của Trung ương và Hà Nội.

Đề dẫn tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết, trước đây, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển KTXH trong 5 năm (2011 – 2015) là tăng trưởng nhanh, bền vững, GDP đạt khoảng 7,7%/năm, kìm chế lạm phát ở mức 7%/năm, đầu tư xã hội tăng 35-37%. Tuy nhiên, sau đó, do tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, ưu tiên kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Năm nay dự báo lạm phát vẫn còn cao, đầu tư xã hội giảm (năm 2013 dự kiến 29% trong khi 5 năm trước đầu tư xã hội đạt trên 40%). Nhìn chung kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Theo đó, qua buổi làm việc với TP Hà Nội, Chính phủ mong muốn nhận được các sáng kiến, giải pháp từ TP - trung tâm kinh tế lớn của cả nước để trong 2 năm tới (2014, 2015) đạt được mục tiêu phát triển cao nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo hội nghị.



KTXH Thủ đô tăng trưởng khá nhưng thấp hơn kế hoạch

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết: 8 tháng đầu năm, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ; năng động sáng tạo triển khai đồng bộ các giải pháp và đã đạt được các kết quả khá toàn diện. Theo đó, TP đã tập trung tháo gỡ khó khăn trong SXKD của DN. 8 tháng, ngành thuế đã xem xét, xử lý giảm, giãn tiền thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho các DN; giảm thuế thu nhập DN cho 9.439 DN với số tiền là 507 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất cho 4.000 tổ chức và cá nhân số tiền 550 tỷ đồng. Tổng số tiền miễn, giảm, giãn trong 8 tháng là 2.677 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội và hỗ trợ thị trường, trên địa bàn TP đã có 18 dự án đề nghị điều chỉnh chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đang xem xét chuyển đổi và điều chỉnh cơ cấu căn hộ 15 dự án khác. TP cũng đã tổ chức rà soát, phân loại dự án bất động sản (tiếp tục thực hiện, tạm dừng, điều chỉnh cơ cấu, loại hình). Rà soát, tổng hợp quỹ nhà 30%, 50% của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn có khả năng hoàn thành trong năm 2013 và các năm 2014, 2015 để mua lại sử dụng làm quỹ nhà tái định cư.

Về kết quả phát triển kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,67%, trong đó dịch vụ tăng 8,5%, công nghiệp – xây dựng tăng 7,46% và nông nghiệp tăng 2,95%. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đây là mức tăng khá (cao hơn mức tăng 4,9% của cả nước), tuy nhiên thấp hơn kế hoạch năm 8,0 – 8,5%.

Trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước là 4,35%). Trong số 19 ngành công nghiệp chế biến, có 15 ngành tăng, 4 ngành giảm, DN còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, xuất khẩu vẫn tăng trưởng nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 6.600 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 15.280 triệu USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ…

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2013 có 10.226 DN đăng ký thành lập với số vốn 62.664 tỷ đồng, giảm 1% về số DN và tăng 5,4% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 6.538 DN ngừng hoạt động (giảm 19% so với cùng kỳ).

Đáng chú ý, trong các chỉ tiêu năm 2013, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước của Hà Nội, dự kiến đạt ở mức thấp, ước khoảng 120.672 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán HĐND Thành phố giao (nếu tính cả số thu 16.105 tỷ đồng dự kiến Chính phủ, Bộ Tài chính xử lý thu cho TP Hà Nội, thu năm 2013 ước đạt 136.777 tỷ đồng, chỉ đạt 84,7% so dự toán.

Kiến nghị Chính phủ chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN

Để thúc đẩy kinh tế của Thủ đô cũng như cả nước phát triển, tại hội nghị, TP Hà Nội đề nghị ban hành, bổ sung, sửa đổi một số văn bản luật như Luật đầu tư công, để thống nhất quản lý nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, phòng chống tham nhũng lãng phí trong đầu tư xây dựng; sửa đổi Nghị định số 108/2006/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư (hiện chưa quy định rõ nội dung thay đổi nhà đầu tư, các hình thức hợp tác trong đầu tư, các trường hợp chuyển nhượng một phần dự án, chuyển nhượng toàn bộ dự án…). Trong khi chưa sửa đổi Nghị định 108, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ban, ngành liên quan ban hành ngay hướng dẫn điều kiện ngành nghề kinh doanh có điều kiện để các địa phương và DN thuận lợi trong việc xây dựng hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính khi cấp chứng nhận đầu tư.

Hiện tại các quy định về chuyển nhượng dự án như: hình thức chuyển nhượng dự án, điều kiện, thủ tục chuyển nhượng và trình tự giải quyết thủ tục hành chính khi chuyển nhượng dự án chưa được quy định rõ ràng và còn nhiều vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn, vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ban, ngành liên quan ban hành một thông tư riêng hướng dẫn về nội dung này để các Nhà đầu tư, địa phương có căn cứ thực hiện…

Mặt khác, theo phản ánh của DN, tiền thuê đất cho SXKD quá cao, ảnh hưởng đến SXKD, hạn chế năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, cần được tháo gỡ. Nhiều DN phải trả tiền thuê đất tăng từ 5-10 lần so với trước. Để tháo gỡ khó khăn cho DN về tiền thuê đất, Hà Nội đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 trên cơ sở giảm tỷ lệ % giá thuê đất và giá đất được xác định theo hướng ổn định trong một thời kỳ SXKD để giảm bớt khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Mặt khác, về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương đẩy mạnh thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai đầu tư xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP, đề nghị Chính phủ ban hành thí điểm cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ và các dự án công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội.

Hơn nữa, hiện nay các vấn đề quản lý đô thị như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… đang là những vấn đề bức xúc của TP. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ban, ngành xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể sớm di dời các trường đại học, bệnh viện và các cơ sở SXKD của Trung ương ra ngoại thành.

Ngoài ra, theo số liệu xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước, dự toán chi ngân sách TP năm 2014 chỉ là 43.242 tỷ đồng, giảm 13.684 tỷ đồng so với dự toán năm 2013. Thực hiện nguyên tắc bố trí kinh phí chi thường xuyên ở mức tối thiểu, phần còn lại dành cho chi đầu tư phát triển chỉ còn 10.950 tỷ đồng, chỉ bằng 46% năm 2013. Hà Nội đề nghị Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho TP Hà Nội trong năm 2014 là 14.600 tỷ đồng, trong đó có 11.000 tỷ đồng, để đảm bảo mặt bằng chi đầu tư năm 2013 đã được Trung ương giao; Bổ sung kinh phí thực hiện Luật Thủ đô năm 2014 với vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng để đầu tư các dự án quan trọng của TP; vốn sự nghiệp kinh tế 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế chính sách luật Thủ đô phân cấp cho HĐND TP quyết định.

Tìm giải pháp phát triển

Ghi nhận những kiến nghị của Hà Nội, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết về Luật Đầu tư công, Chính phủ đã xem xét và trình Quốc hội phê chuẩn; đang sửa đổi Nghị định 108. Đại diện Bộ lưu ý kim ngạch xuất nhập khẩu trong 8 tháng của Hà Nội tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cả nước, cần được TP quan tâm khắc phục.

Bên cạnh đó, ý kiến từ lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Về hụt thu ngân sách, trung ương sẽ khó bố trí thêm cho Hà Nội, TP phải cố gắng thu cao nhất, thu sát phần phát sinh. Về tái cơ cấu DN, Hà Nội cần có lộ trình.

Đóng góp ý tưởng về phát triển thị trường bất động sản Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng -Nguyễn Trần Nam cho biết: Hà Nội là thị trường bất động sản lớn nhất nhì cả nước. Giải pháp phát triển là phải tháo gỡ được hàng tồn kho, triển khai được các dự án dở dang để có tiền nộp thuế, trả nợ ngân hàng. Hà Nội sau khi trừ đi 59 dự án tạm ngừng, số dự án còn lại (397 dự án), cả về đất và diện tích vượt quy hoạch Thủ đô đến năm 2020 rất nhiều. Để thực hiện những dự án này chắc chắn không đủ cung – cầu, không đủ nguồn lực; theo đó cố gắng đưa sản phẩm hợp sức mua của người dân. Thứ trưởng đề nghị Hà Nội cần mạnh mẽ dừng thêm các dự án không phù hợp...

Để đưa KTXH Thủ đô vượt qua khó khăn và phát triển, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bày tỏ, Hà Nội phải có đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường, vốn cho hoạt động SXKD của DN. Bên cạnh đó là tái cơ cấu lại các DNNN, để đẩy mạnh tăng trưởng, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Về thị trường cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Khi thị trường bất động sản chững lại, những hàng hóa vật liệu, vật tư xây dựng tồn nhiều. Chính sách tín dụng tiếp tục phải nới lỏng cho DN, giữ lạm phát ở mức cho phép...

Qua các ý kiến tham luận, phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, trong bối cảnh chung rất khó khăn, Hà Nội đã lãnh đạo, thực hiện tốt các Nghị quyết của TƯ, Chính phủ, Quốc hội; nghiêm túc thực hiện, có giải pháp thực hiện tốt, toàn diện trên địa bàn. Về kinh tế, chỉ tiêu GDP của Hà Nội đạt cao so với cả nước. TP đã lựa chọn được những mục tiêu, giải pháp linh hoạt… Đáng chú ý, Phó Thủ tướng bày tỏ việc hết sức ấn tượng với việc Hà Nội phát triển nông thôn mới rất tốt, có hộ nông dân thu nhập 2 tỷ đồng/năm, có nhiều mô hình sản xuất mới. Các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị được giữ vững.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, SXKD còn nhiều khó khăn (tỷ lệ DN nộp thuế các loại giảm so với năm 2012); thu ngân sách khó khăn (TP HCM và Hà Nội đều hụt ngân sách), tồn kho, nợ xấu còn cao. Dự kiến năm 2014 vẫn phải ổn định kinh tế, chưa có sự đột biến. Phó Thủ tướng đề nghị TP tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD. Lộ trình cổ phần hóa của DNNN đang chững lại, Hà Nội cần sắp xếp lại để DN hoạt động hiệu quả hơn. Tập trung xử lý nợ xấu, giảm hàng tồn kho, ưu tiên cho bất động sản. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá cả, cân đối cung cầu. Đẩy mạnh hoạt động cơ chế chính sách, tài chính sự nghiệp công. TP thông qua các biện pháp huy động vốn, đảm bảo vốn cho nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường cải cách hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.