(HNM) - Công tác thanh tra gặp khó khăn, một số kết luận thanh tra chậm được ban hành và Thanh tra Chính phủ phải rất thận trọng trước khi đưa ra kết luận...
Những thông tin này được nêu ra tại cuộc họp báo quý II-2014 của Thanh tra Chính phủ ngày 16-7. Ngành thanh tra khẳng định, trong 6 tháng cuối năm sẽ ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp; tiếp tục thanh tra đột xuất, đồng thời chú trọng công tác tiếp công dân.
Việc thanh tra Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tới đây sẽ có sự tham gia của Bộ Giao thông - Vận tải, nội dung sẽ bao hàm cả công tác cán bộ. ảnh: Bảo Lâm |
Bảo đảm hiệu lực kết luận thanh tra
Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra tại nhiều đơn vị. Trước câu hỏi liệu có phải thanh tra nhiều là do các đơn vị "có vấn đề", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết: Những cuộc thanh tra đối với các tập đoàn Cao su Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, HUD và những cuộc chuẩn bị thanh tra về Bảo hiểm tiền gửi, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam… hoàn toàn nằm trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chứ không phải "có vấn đề gì". Tuy nhiên, ông Ngô Văn Khánh cũng cho biết, trước một số việc ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã được báo chí đề cập vừa qua, tới đây cuộc thanh tra sẽ có sự tham gia của Bộ GTVT, nội dung sẽ bao hàm cả công tác nội bộ, cụ thể là về công tác cán bộ.
Về việc chậm ban hành kết luận thanh tra, ông Ngô Văn Khánh cho biết, kết luận đối với Tập đoàn HUD đang dự thảo, dự kiến ban hành trong quý III-2014; kết luận đối với Tập đoàn Cao su đang hoàn thiện, chờ ý kiến của các cơ quan liên quan... Cũng theo ông Khánh, về nguyên nhân chậm trễ trong kết luận thanh tra, ngoài năng lực của cán bộ, thanh tra viên thì có mấy vấn đề cần khắc phục, đó là: Sự tham gia phối hợp, đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là nội dung thanh tra liên quan nhiều đối tượng, quy mô lớn nên thời gian không đáp ứng được theo luật định.
Liên quan việc sau một năm mới ban hành được kết luận thanh tra với 4 nội dung của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: "Đây là lần đầu tiên, Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ giao thanh tra một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về tài chính nên lúc đầu chúng tôi cũng lúng túng, không biết áp dụng cơ chế nào vào đây". Về 91 triệu đồng tiền lãi sau khi sử dụng số tiền 10 tỷ đồng chênh lệch thu chi sau Hội nghị APEC 2006 có liên quan trách nhiệm người đứng đầu mà trong kết luận thanh tra tại VCCI không đề cập đến kỷ luật, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh: Kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra trách nhiệm người đứng đầu là có, nhưng chỉ kiến nghị kiểm điểm, chưa đến mức phải xem xét trách nhiệm xử lý kỷ luật". Đến nay, VCCI đã nộp 91 triệu đồng vào ngân sách nhà nước và đã kiểm điểm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, các kết luận thanh tra tại VCCI đã rõ, bảo đảm công khai, minh bạch.
Cũng trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý 533 tập thể, 1.133 cá nhân, trong đó chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng. Tuy nhiên, toàn ngành thanh tra mới đôn đốc, kiểm tra được 1.100 kết luận và thu hồi, xử lý được 575/1.090 tỷ đồng, 20/24ha đất, xử lý trách nhiệm 150 tập thể, 290 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ là không nhiều. Về việc này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định ngành thanh tra quyết tâm bảo đảm hiệu lực kết luận thanh tra, trong đó có nội dung thu hồi tài sản sau thanh tra. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản là rất khó khăn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế khó khăn như hiện nay.
Ngoài việc quyết tâm khắc phục khó khăn nêu trên, trong 6 tháng cuối năm 2014, ngành thanh tra sẽ ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp; tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, ngành cũng triển khai thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về KNTC và phòng chống tham nhũng; tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ…
Tăng hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp công dân
Tại cuộc họp báo, một số ý kiến băn khoăn liệu Luật Tiếp công dân và Ban Tiếp công dân TƯ ra đời có thực sự nâng cao chất lượng tiếp công dân không, khi mà lâu nay, việc tiếp công dân vẫn được ví là "văn thư cao cấp"? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng, Trưởng ban Tiếp công dân TƯ cho biết: Từ ngày 1-7, Luật Tiếp dân có hiệu lực và nghị định hướng dẫn thi hành đã ra đời. Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ hướng dẫn các địa phương thành lập ban tiếp công dân.
Trước đây, cán bộ tiếp dân thường bị ví như "văn thư cao cấp", nguyên nhân là bởi chế tài chưa đầy đủ, chưa chuyên nghiệp, thậm chí có nơi cán bộ tiếp dân chỉ nhận đơn rồi chuyển cho đơn vị khác. Giờ đây, Ban Tiếp công dân TƯ có đại diện của tất cả các cơ quan TƯ sẽ cùng các địa phương đối thoại với công dân về những vụ việc phức tạp, đông người. Trưởng ban Tiếp công dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp khẳng định: Tới đây, công tác tiếp dân chắc chắn có chuyển biến hơn bởi trách nhiệm các cơ quan nhà nước được quy định rất cụ thể trong luật. Ban Tiếp công dân TƯ kết nối với Ban Tiếp công dân địa phương thì sẽ khắc phục được tình trạng "nói ngược" nhau. "Ban Tiếp công dân TƯ sẽ đề xuất kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân. Qua đó, xác định được trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC; kiến nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan nhà nước khi để người dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên TƯ, không chỉ xử lý về hành chính mà còn xem xét trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm…" - ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm 2014, ngành thanh tra đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính và 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 391.108 tổ chức, cá nhân; qua đó, phát hiện vi phạm 9.853,5 tỷ đồng, 1.082,4ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,2 tỷ đồng và 409,3ha đất (đã thu hồi 3.789,9 tỷ đồng, đạt 55,6%)…; đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 533 tập thể, 1.133 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng. Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 17.557/22.535 (đạt 78%) vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.