(HNM) - Hôm nay (21-1 giờ Mỹ), xứ Cờ hoa lại rộn ràng với lễ nhậm chức lần thứ 2 của Tổng thống Mỹ Barack Obama...
Sau 4 năm của nhiệm kỳ đầu (2009-2013), dưới sự lãnh đạo của Tổng thống B.Obama, nước Mỹ đã từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế được coi là tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Trên lĩnh vực đối ngoại, thành công trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, quyết định kết thúc hai cuộc chiến hao người tốn của tại Afghanistan và Iraq, duy trì sự hiện diện toàn cầu của Mỹ bằng mối quan hệ được làm cho tươi mới với các đồng minh quân sự hùng mạnh… đã ghi những điểm cộng cho chính quyền Obama.
Phục hồi kinh tế sẽ là trọng tâm trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ B.Obama. |
Nhưng như thế vẫn chưa đủ làm vơi đi những khó khăn bộn bề cả về đối nội lẫn đối ngoại đang đón chờ vị Tổng thống thứ 45 của Nhà Trắng. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên dưới 8%, nợ công ngày càng phình lớn, trong khi tranh cãi giữa những người Dân chủ và Cộng hòa về nợ và thâm hụt ngân sách chưa ngã ngũ khiến nguy cơ đổ vỡ tài chính của nước Mỹ vẫn hiện hữu. Xã hội Mỹ chấn động bởi các vụ xả súng đẫm máu. Trong khi đó, vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên và cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Châu Âu... chưa có hồi kết khiến niềm vui tái đắc cử của ông B.Obama nhanh chóng bị hàng núi khó khăn chưa được giải quyết trong nhiệm kỳ đầu phủ bóng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà ông B.Obama phải vượt qua ngay trong những ngày đầu sau nhậm chức là các vấn đề đối nội. Đó là tìm kiếm bằng được sự đồng thuận trong Quốc hội để đưa nước Mỹ vượt thoát "vách đá tài khóa" đang ở ngay trước mặt. Thế nhưng, chính trường Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục chia rẽ sâu sắc khi lưỡng viện Mỹ hiện đang thuộc quyền kiểm soát của hai đảng với Thượng viện thuộc về người Dân chủ, còn Hạ viện lại do người Cộng hòa chiếm đa số. Chính sự kiểm soát quyền lực mang tính "đối trọng" này đang đẩy chính quyền Obama vào tình thế khó khăn khi tìm tiếng nói chung về ngân sách. Ngay trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống B.Obama đã rất khó khăn để thu hẹp những bất đồng về các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách và điều này được dự báo không dễ dàng hơn trong nhiệm kỳ thứ 2.
Bốn năm trước, khi bước vào Nhà Trắng, ông B.Obama là một gương mặt mới, một trong những tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Còn nay, ông đã ở tuổi 51 và tỏ ra quyết đoán hơn trước tính đảng phái tại Washington. Điều này thể hiện khá rõ trong nội các mới của đương kim Tổng thống B.Obama khi ông "pha trộn" cơ cấu nội các bằng các thành viên đảng Cộng hòa ở cương vị đứng đầu Lầu Năm Góc và Bộ Giao thông. Tổng thống đắc cử không giấu giếm mong muốn đem lại cho Washington tinh thần mới của nền chính trị lưỡng đảng. Và quan trọng hơn, động thái tái cơ cấu quyền lực Mỹ của người đứng đầu Nhà Trắng còn phản ánh mục tiêu chính trong nhiệm kỳ cuối của Tổng thống B.Obama: Đưa nước Mỹ rời khỏi "vách đá tài khóa", giải quyết các vấn đề ngân sách và chú ý đến thực tế của một thế giới đang đổi thay từng ngày. Bên cạnh đó, người đứng đầu nước Mỹ ngày càng tin rằng cần duy trì sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu Mỹ - những người đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008.
Từ hôm nay, Tổng thống B.Obama chính thức bước vào nhiệm kỳ 2. Trước sự tin tưởng và hy vọng của cử tri Mỹ nhưng 4 năm tới với ông chủ Nhà Trắng sẽ là một khoảng thời gian không ít khó khăn. Con đường không toàn hoa hồng này được dự báo từ năm 2008, ngay khi ông B.Obama giành chiến thắng để bước vào Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu tiên
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.